Multimedia Đọc Báo in

Nữ doanh nhân tìm hướng đi trong... “bão”

08:53, 11/06/2013

Cẩn trọng, điềm tĩnh nhưng không kém phần quyết đoán - là những nét tính cách có thể cảm nhận được khi tiếp xúc với nữ doanh nhân Bùi Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Mặc Vi. Chị bảo, đó cũng chính là những phương châm cốt lõi mà chị và các nữ doanh nhân trong Câu lạc bộ doanh nghiệp nữ TP. Buôn Ma Thuột luôn tâm niệm để đưa doanh nghiệp vượt qua sóng gió trong “cơn bão” khủng hoảng kinh tế…

Chị Lan (người ngồi giữa bên phải) và các chị em trong Câu lạc bộ.
Chị Lan (người ngồi giữa bên phải) và các chị em trong Câu lạc bộ.

Trong câu chuyện của mình, chị Lan tỏ ra là người có cái nhìn cũng như sự phân tích, đánh giá khá sắc sảo về thị trường. Theo chị, nhìn vào tình hình kinh doanh dịch vụ quảng cáo, lĩnh vực mà Mặc Vi đã và đang thực hiện có thể “bắt mạch” được phần nào “sức khỏe” của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Cách đây vài ba năm, nhiều người nhìn công ty của chị mà ao ước vì trong khi các doanh nghiệp bạn đang lao đao tìm nguồn tiêu thụ thì Mặc Vi vẫn có số đơn hàng thường xuyên nếu không nói là tăng so với trước đó. Đôi khi chị tự hỏi và cả tự thấy mình sao giỏi thế! Nhưng để không “ngủ quên trên chiến thắng” quá lâu, chị sớm phân tích và nhận ra rằng chính doanh nghiệp của mình cũng đang “gặp bão” bởi làm ăn khó khăn nên người ta cần đến quảng cáo, điều đó lý giải vì sao Mặc Vi tăng rõ về số đơn hàng. Đến khi kiệt quệ, không đủ sức hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc tuyên bố phá sản thì không còn kinh phí mà quảng cáo nữa. Minh chứng rõ là từ đầu năm 2013 đến nay số đơn hàng của Mặc Vi đã giảm hoặc nếu có thì cũng khó thu hồi nợ. Doanh thu thấp, khách hàng nợ kéo dài, lãi suất vay ngân hàng dù đã giảm xuống nhưng vẫn quá sức hoặc còn khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận... là những vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp hiện phải đối mặt. Trước tình hình đó, doanh nghiệp của chị và gần 30 thành viên của Câu lạc bộ doanh nghiệp nữ TP. Buôn Ma Thuột đều cẩn trọng trong từng bước đi, bình tĩnh chờ đợi, suy xét để chủ động bảo toàn nguồn vốn. Chị cười: “Tỉ mỉ, kiên nhẫn, cẩn thận, chu đáo là những đức tính nổi bật ở phụ nữ và trong bối cảnh hiện nay, đó lại là thế mạnh để các nữ doanh nhân giữ hệ số an toàn cho doanh nghiệp của mình”.

Nhưng kiên nhẫn, bình tĩnh chờ đợi không có nghĩa “án binh bất động”, chính trong khoảng lặng của sự tạm dừng thận trọng ấy, nữ doanh nhân Bùi Thị Lan lại thực hiện những bước đi (mà nhiều người cho là mạo hiểm) để thực hiện một kế hoạch mà chị đã ấp ủ từ lâu. Đó là xây dựng và thực hiện đề án bảo tồn phát huy nghề truyền thống, cụ thể là nghề dệt thổ cẩm. Chị bảo, nếu đề án thành công sẽ mang lại không chỉ hiệu quả thiết thực về mặt kinh doanh mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Ý tưởng cho đề án này đã manh nha từ năm 2010, khi chị đến thăm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột (thành lập từ năm 2002) và thấy sự phát triển èo uột của Hợp tác xã bởi khó khăn khi tìm đầu ra, sản phẩm thì nghèo nàn, đơn điệu. Bằng con mắt tinh đời của một nhà thiết kế, chị biết sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tìm được đường ra nếu được tạo điều kiện để có một môi trường thuận lợi giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm này đồng thời với việc phát triển thêm nhiều sản phẩm đa dạng phù hợp thị hiếu của khách hàng hiện đại. Chị đã mơ đến những bộ sưu tập thời trang với chất liệu thổ cẩm tiện lợi mà bất cứ chị em nào cũng có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày... Chị ấp ủ xây dựng một khu du lịch gắn liền với làng nghề, trong đó có cả một quán cà phê (chị dự định đặt cho nó một cái tên ngắn gọn mà nhiều ý nghĩa là “Buôn”), khu phục vụ ẩm thực, xưởng dệt và trưng bày những sản phẩm thổ cẩm. Khu du lịch làng nghề này sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho họ học nghề cũng như cung cấp những nhu cầu thiết yếu về nơi ăn, chốn ở. Quán cà phê, khu ẩm thực, du lịch sẽ là những hạng mục bổ trợ quan trọng, kênh giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đến gần hơn với mọi người, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nghiệp nữ thành phố, theo chị thì đây cũng là một kế hoạch làm công tác xã hội dài hơi của chính Câu lạc bộ. Chị cho biết, trong 5 năm qua (kể từ khi thành lập năm 2007 đến nay), chị em trong câu lạc bộ đã đóng góp xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa tặng người nghèo nhưng có nhà rồi, họ vẫn cứ nghèo vì không biết cách làm ăn; thế nên, thay vì tặng “con cá”, có lẽ câu lạc bộ nên tặng cho họ “cần câu” – và việc đầu tư xây dựng khu du lịch làng nghề này là một chiếc “cần câu” như thế.

Nghĩ vậy và chị Lan đưa ý tưởng của mình ra bàn thảo ở Câu lạc bộ. Cũng có người đồng tình song số người phản đối lại nhiều hơn bởi họ chưa thể hình dung được tương lai của ý tưởng này sẽ đi đến đâu và thật mạo hiểm khi đầu tư trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Riêng chị, một nữ doanh nhân luôn cẩn trọng trước mọi quyết định, vẫn không nghĩ đó là một sự mạo hiểm, ngược lại, đó là một thời cơ. Chị quyết định bỏ tiền túi và vay số tiền quỹ của Câu lạc bộ, có trả lãi để đầu tư theo kiểu cuốn chiếu, lấy ngắn nuôi dài, không dàn trải bởi ít vốn mà dàn trải thì… chết! Chị tham gia vào Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột như là một xã viên; tiếp đó chị đầu tư xây dựng quán cà phê và lấy doanh thu từ kinh doanh cà phê làm nguồn dùng để nuôi chính xưởng dệt và người lao động.

Đề án bảo tồn phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn đang được chị gấp rút thực hiện. Chị hy vọng với những nét ưu việt của đề án này hướng tới khôi phục và tạo bước đi mới mẻ, mạnh mẽ cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào bản địa ở Buôn Ma Thuột, vực dậy một hợp tác xã đang bế tắc trong tìm đầu ra cho sản phẩm, sẽ đủ sức thuyết phục các cơ quan chức năng của tỉnh.

Hồng Thủy – Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc