Multimedia Đọc Báo in

Vỗ béo bò - mô hình thoát nghèo mới của nông dân Hòa Sơn

08:49, 12/06/2013

Là một trong 2 xã được huyện Krông Bông chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hòa Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc; đặc biệt ưu tiên phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững, trong đó mô hình vỗ béo bò là cách làm mới giúp nông dân thoát nghèo hiệu quả.

Gia đình anh Huỳnh Xuân Vinh  (ở thôn 8, xã Hòa Sơn) đã  thoát nghèo nhờ  mô hình vỗ béo bò.
Gia đình anh Huỳnh Xuân Vinh (ở thôn 8, xã Hòa Sơn) đã thoát nghèo nhờ mô hình vỗ béo bò.

Trong câu chuyện thoát nghèo và làm giàu gần đây, bà con nông dân ở Hòa Sơn thường đề cập đến mô hình nuôi bò vỗ béo. Thực ra lâu nay bà con vẫn nuôi bò, nhưng là giống bò truyền thống của địa phương và chăn thả tự do ngoài đồng, với quy mô mỗi hộ 1 đến 2 con, nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, Dự án cạnh tranh nông nghiệp đã hỗ trợ 5 hộ nuôi bò ở Hòa Sơn kinh phí sửa chữa chuồng trại, trồng cỏ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vỗ béo bò thịt cũng như cách chế biến một số loại thức ăn bổ sung và các biện pháp phòng bệnh cho đàn bò… nhờ đó hiệu quả kinh tế từ con bò tăng lên rõ rệt. Anh Huỳnh Xuân Vinh (thôn 8), một trong những hộ được thụ hưởng dự án cho biết: so với cách nuôi bò truyền thống, nuôi bò vỗ béo theo phương pháp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Trung bình mỗi tháng một con bò vỗ béo cho lợi nhuận từ 500.000 - 700.000 đồng. Hiệu quả kinh tế khá cao nên nhiều nông dân chuyển hướng sang nuôi bò vỗ béo, cá biệt có những hộ đầu tư nuôi qui mô lớn. Phong trào rầm rộ nhất phải kể đến thôn 8 và 9, mỗi hộ nuôi 4-5 con thịt. Cũng như nhiều gia đình ở xã Hòa Sơn, thu nhập của gia đình anh Phạm Văn Tàu (thôn 9) có được từ nhiều nguồn: lúa, cà phê, heo, bò, gà vịt… song đất canh tác ít, lại thường xuyên gặp rủi ro do dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt nên hiệu quả không cao. Thấy việc nuôi bò vỗ béo hiệu quả, anh cũng học hỏi kinh nghiệm và mua bò về nuôi. Cách nuôi bò vỗ béo của anh Tàu là tìm chọn mua bò đực giống khoảng 10-12 tháng tuổi, có trọng lượng khoảng 1,5 tạ về vỗ béo từ 3-5 tháng rồi xuất chuồng. Nuôi theo cách này, mỗi năm anh bán được từ 2 đến 3 đợt bò, lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Trần Quốc Nhật cho biết, tuy ở vùng kinh tế thuần nông nhưng bình quân mỗi hộ chỉ có vài sào đất canh tác nên thu nhập từ trồng trọt chẳng đáng là bao. Bài toán giảm nghèo trở nên bức thiết hơn khi xã được chọn làm điểm xây dựng NTM. Nhận thấy được những kết quả rất khả quan của mô hình nuôi bò vỗ béo từ 5 hộ thí điểm, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nhất là hội nông dân tiếp tục truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn và nhân rộng mô hình vỗ béo bò cho bà con nông dân trong xã. Hiện đã có hằng trăm nông dân nghèo trong xã ứng dụng thành công mô hình vỗ béo bò, nhờ đó đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Cuối năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 12,5 triệu đồng/năm, tăng 1,5 triệu đồng so với năm trước, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 18,9%. Mặc dù mức thu nhập này vẫn còn thấp so với mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh (16 triệu đồng/người/năm) nhưng đây là nỗ lực  lớn của chính quyền địa phương, các ngành hữu quan, đặc biệt là của chính người nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí giảm nghèo. Nuôi bò vỗ béo đang mở ra hướng mới trong giảm nghèo bền vững đối với người nông dân ở  một xã còn nhiều khó khăn như Hòa Sơn.

Không dừng lại ở phạm vi xã Hòa Sơn, mô hình vỗ béo bò đang được nhân rộng ở huyện Krông Bông, giúp nông dân nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững. Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ cùng với chính quyền xã Hòa Sơn tập trung xây dựng làng nuôi bò vỗ béo ở thôn 8 và 9 và đây cũng sẽ là nơi để bà con trong huyện đến tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi. Ông Phạm Phú Thiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, do điều kiện đất đai Krông Bông chủ yếu phát triển cây lương thực ngắn ngày và chăn nuôi với đàn trâu bò khoảng 24 ngàn con, những năm 2006-2007, huyện đã xây dựng thí điểm mô hình vỗ béo bò, nhưng do thiếu kỹ thuật nên không thành công. Năm 2011 khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM một lần nữa huyện quyết tâm xây dựng mô hình này tại xã Hòa Sơn - một trong những xã có truyền thống và điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc. Mô hình vỗ béo bò đã có sức hút mãnh liệt đối với bà con nông dân nghèo, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích canh tác kém hiệu quả, thậm chí chuyển đối đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò. Bò là vật nuôi ít rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp nên được nông dân lựa chọn. Những năm gần đây, với việc giá bò ổn định ở mức cao, nhiều nông dân ở Krông Bông nói chung và Hòa Sơn nói riêng đã khá lên nhờ nuôi bò vỗ béo; đặc biệt có những hộ đầu tư nuôi qui mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Vỗ béo bò trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân ở Krông Bông hiện nay.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc