Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho doanh nghiệp

10:51, 27/07/2013

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, cứ nhìn vào nền kinh tế là có thể bắt mạch được “sức khỏe” của doanh nghiệp. Chính sự gắn kết, mối quan hệ tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau giữa bức tranh chung của nền kinh tế với lực lượng quan trọng đóng góp vào nguồn thu ngân sách này càng khẳng định những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một quyết sách đúng...

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản  là  một trong những đối tượng hiện gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản là một trong những đối tượng hiện gặp nhiều khó khăn.

Trong khó khăn...

Vài ba năm trở lại đây, phải thừa nhận hoạt động của doanh nghiệp khá trầy trật. Không nằm ngoài quỹ đạo này, các doanh nghiệp ở Dak Lak phải đối diện với nhiều thách thức. Tại nhiều hội nghị, nhiều cuộc gặp mặt, đối thoại, các vấn đề được than phiền nhiều nhất là: thiếu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, thiếu mặt bằng hoạt động; thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao; cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục hành chính còn phiền hà; việc tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế… Trong đó, thiếu vốn là khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Mà đã thiếu vốn thì tất yếu kéo theo đó là có nhu cầu vay vốn để đầu tư. Và cũng từ đây xuất hiện những nghịch lý. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 giảm so với năm 2011, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm, nhưng rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn vay. Nguyên nhân chính là do: Các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thì không có nhu cầu vay để mở rộng sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì lại không thể đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng (không có tài sản thế chấp; phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi).

Đó là những khó khăn có sự giao thoa giữa tính khách quan và chủ quan. Nhưng có những hạn chế, yếu kém thuần túy mang tính chủ quan như: thiếu tính năng động, chủ động, làm ăn manh mún, chụp giật thì lại thuộc về năng lực của doanh nghiệp và sự đào thải sẽ là quy luật tất yếu trong cuộc chạy đua trên thương trường.

Không “đơn thương độc mã”

Doanh nghiệp đã không phải đơn thương độc mã chống chọi và đối diện với những khó khăn trong bối cảnh chung của nền kinh tế trong suốt những năm gần đây. Phải thừa nhận và ghi nhận những nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương dù biết những kết quả còn ở mức độ nhất định và chắc chắn không bao giờ làm vừa lòng hết doanh nghiệp. Đối với Dak Lak, để nâng cao nâng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch trợ sức cho doanh nghiệp. Riêng trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Dak Lak đã triển khai được một số chính sách, chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV. Theo đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp; hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư ngành nông nghiệp và cung cấp dịch vụ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP); triển khai thực hiện tiểu dự án trồng rừng sản xuất cho doanh nghiệp theo Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống cùng Tây Nguyên (FLITCH).... Trong năm 2012, tổng số kinh phí hỗ trợ đã giải ngân trên 4,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1 tỷ đồng, ngân sách địa phương 750 triệu đồng, nguồn hỗ trợ từ các dự án của các tổ chức phi chính phủ gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện, hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã vay vốn lãi suất ưu đãi và tạo việc làm với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Riêng tổng kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện 6 tháng đầu năm 2013 ước tính  570 triệu đồng.

Gần đây nhất, ngày 24-1-2013, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động trợ giúp DNNVV tỉnh Dak Lak giai đoạn 2013 – 2015. Trong đó, đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND cấp huyện trong việc thực hiện các giải pháp này. Cụ thể gồm: Cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng cường năng lực cho cơ quan đầu mối thực hiện chính sách phát triển DNNVV; xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV của tỉnh; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường hỗ trợ tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính cho DNNVV; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Tiếp tục tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng cụ thể hóa và thiết thực hơn, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư là cần hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV; đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp cho DNNVV. Đặc biệt, sớm xúc tiến việc hình thành cơ quan thực hiện việc trợ giúp phát triển doanh nghiệp tại Trung ương và địa phương theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP; hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc