Multimedia Đọc Báo in

Gắn đào tạo nghề với giảm nghèo bền vững ở Cư Kuin

11:32, 24/07/2013

Trong khi tại nhiều địa phương trong tỉnh, người dân chưa mặn mà với các chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm thì ở Cư Kuin, với sự đồng hành của chính quyền địa phương, lao động nông thôn có cơ hội có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thay đổi cuộc sống gia đình và thoát nghèo bền vững…

Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

Trồng hồ tiêu xen trong vườn cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin.
Trồng hồ tiêu xen trong vườn cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin.

Theo thống kê mới nhất, huyện Cư Kuin có 1.300 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và 69 người xuất khẩu lao động, trong đó có 50 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện nay, số lao động đang chờ đi xuất khẩu lao động tiếp tục tăng và trở thành “cơn sốt” tại nhiều vùng nông thôn. Từ đó cho thấy công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Cư Kuin thời gian qua đã thực sự hữu ích, nhiều lao động sau học nghề có việc làm, thu nhập ổn định. Trung bình mỗi lao động đi làm ngoài tỉnh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ đã đem về cho gia đình trên 40 triệu đồng, còn lao động ngoài nước là 120 triệu đồng. Đáng mừng là có nhiều lao động xuất khẩu đã gửi tiền về cho gia đình không chỉ để mua sắm đồ dùng sinh hoạt mà còn mua được đất sản xuất để lo cho tương lai. Chị H’Noan Kbur (buôn Ciêt, xã Ea Tiêu) có hoàn cảnh con đông, đất sản xuất, kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2003 chị quyết định rời  buôn làng, xuất khẩu lao động ở Đài Loan, thu nhập cao gấp 5,6 lần so với làm công nhân trong nước. Đây là quyết định táo bạo, bởi lúc ấy rất nhiều người trong buôn, trong xã cũng được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để xuất khẩu lao động nhưng do tâm lý e ngại không muốn xa gia đình nên chẳng ai muốn đi. Với mức lương 600 USD/tháng, làm thêm giờ được công ty trả gấp đôi, mỗi tháng chị  H’Noan đã gửi đủ tiền về chi tiêu cho 3 con ăn học, số còn lại tiết kiệm, sau 9 năm làm việc chị đã tích cóp mua được 1 ha đất trồng cà phê trị giá 75 triệu đồng và xây được căn nhà khang trang trị giá 400 triệu đồng. Chị H’Noan tâm sự: nếu không đi xuất khẩu lao động, chắc chắn cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm.

9 năm lao động nước ngoài về chị H’Noan (bên phải) vẫn không quên nghề dệt truyền thống của dân tộc.
9 năm lao động nước ngoài về chị H’Noan (bên phải) vẫn không quên nghề dệt truyền thống của dân tộc.

Không chỉ riêng gia đình chị H’Noan mà rất nhiều gia đình ở huyện Cư Kuin cũng đã đón nhận những niềm vui mới từ thành quả xuất khẩu lao động của con em họ tại các nước Đài Loan, Malaysia…Ông Lương Viết Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Ea K’tur cho biết: năm nay xã “được mùa” xuất khẩu lao động, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, trong số 95 trường hợp được tạo việc làm mới đã có 19 người xuất khẩu lao động, trong đó 17 trường hợp đi Malaysia, 1 đi Liên bang Nga và 1 đi Nhật Bản. Hiện 11 trường hợp đã được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện Cư Kuin đang chờ lịch bay và 20 trường hợp đã hoàn chỉnh hồ sơ xuất khẩu lao động  sang Malaysia…

Khi chính quyền vào cuộc

Là huyện thuần nông, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Cư Kuin luôn xác định dạy nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đào tạo nghề không dừng lại ở chỗ cho người lao động một cái nghề mà cần phải tư vấn, tìm kiếm việc làm cho họ. Tạo việc làm bằng cách đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giống cây con mới, vốn ưu đãi... để nông dân có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất; ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn nhằm thu hút, tạo việc làm cho lao động địa phương; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại cho nông dân nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; đặc biệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nâng cao nhận thức cho bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Còn nhớ năm 2002, xã Ea Tiêu được huyện Krông Ana chọn làm điểm thực hiện chương trình xuất khẩu lao động, dù chính quyền địa phương và các đoàn thể đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, nhưng người dân vẫn không chịu đi xuất khẩu lao động. Nguyên nhân chính là do tâm lý e ngại, không muốn xa gia đình, thay đổi môi trường sống quen thuộc. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu là chị H’Bliăk Niê đã đến từng nhà gặp gỡ bà con để vận động tham gia xuất khẩu lao động, nhưng chỉ duy nhất chị  H’Noan đồng ý. Còn giờ đây, đi làm việc ở trong nước, hay đi xuất khẩu lao động đang là sự lựa chọn của nhiều nam, nữ thanh niên, bởi họ thấy có nhiều gia đình kinh tế giàu lên nhờ xuất khẩu lao động. Chưa hết, chính quyền huyện Cư Kuin luôn đồng hành cùng người lao động trong suốt quà trình đào tạo nghề - giải quyết việc làm như: gặp gỡ những người xuất khẩu lao động trở về để tìm hiểu về đời sống, thu nhập; tư vấn về Luật Lao động Việt Nam và một số nước khác cho người chuẩn bị xuất khẩu lao động. Ngoài ra, huyện Cư Kuin còn thành lập một đoàn công tác về tận các doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An... thăm hỏi, động viên con em, người dân trong huyện đang tham gia lao động sản xuất tại những nơi này; đồng thời ký kết các văn bản ghi nhớ về hợp tác cung ứng lao động cho các công ty… Không dừng lại ở đó, vào các kỳ nghỉ Tết, UBND huyện còn làm việc với các doanh nghiệp để bố trí xe đưa 500 công nhân về quê đón Tết, sum họp gia đình và được chính quyền địa phương thăm hỏi động viên mọi người biết tích lũy, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để thoát nghèo bền vững. Chính sự đồng hành của chính quyền địa phương đã giúp người dân thực sự yên tâm ly hương làm việc, quyết tâm tích luỹ để xây dựng cuộc sống ổn định. Với những cách làm trên, tỷ lệ hộ nghèo của Cư Kuin giảm nhanh trong những năm gần đây, đến cuối năm 2012 giảm còn 13,5%, phấn đấu năm 2013 giảm xuống còn 10,5%, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 66,14% xuống còn 30,47%.

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc