Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong tìm hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi huyện Cư M’gar

16:50, 24/07/2013

Chăn nuôi theo quy mô lớn, khép kín là giải pháp cơ bản, lâu dài để phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn huyện Cư M’gar, ngành chăn nuôi (nhất là nuôi heo) vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trang trại heo của ông Bảy Vân thôn 1B xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh.
Trang trại heo của ông Bảy Vân thôn 1B xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh.

Toàn huyện Cư M’gar có tổng đàn heo là  40.830 con nhưng chỉ có 2 hộ nuôi heo hướng nạc theo quy mô trang trại; trong đó có gia đình ông Bảy Vân (thôn 1B, xã Ea Mnang). Năm 2008 ông Bảy Vân đã phá 400m2 diện tích trồng cà phê để nuôi heo quy mô trang trại và luôn duy trì mức nuôi trên 40 con heo thịt và 10 con heo nái. Nếu tính hiệu quả trên cùng diện tích thì nuôi heo lãi hơn gấp 2 lần so với trồng cà phê vì có thể tự chủ được con giống, một phần thức ăn chế biến tại chỗ. Đáng nói là, nhiều năm nay, người nuôi heo luôn phải chịu những trận dịch bệnh nhưng ở trang trại của ông chưa xảy ra dịch bệnh nào. Ông Bảy Vân cho rằng: trong ngành chăn nuôi thì con giống, dinh dưỡng và quản lý vệ sinh chuồng trại là những điều cần thiết, quyết định sự thành bại của người nuôi. Những yếu tố này không phải tự nhiên có được, mà đòi hỏi người chăn nuôi phải bỏ ra cả một quá trình đầu tư, học tập, tích lũy kinh nghiệm và được tập huấn cập nhật kiến thức chăn nuôi. Đặc biệt, đối với chăn nuôi tập trung có quy mô lớn điều cần nhất là có đủ nguồn vốn để đầu tư. Mỗi năm gia đình ông bỏ ra hơn 100 triệu đồng chi phí thức ăn, thuốc thú y, vệ sinh phòng dịch và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay vốn đầu tư cho chăn nuôi tập trung chưa được quan tâm; người chăn nuôi phải vay với lãi suất khá cao, nhưng cũng khó tiếp cận được nguồn vốn.

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar, hiện nay người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn: ngoài việc phải đối mặt với dịch bệnh tiềm ẩn trên đàn gia súc, gia cầm thì thức ăn chăn nuôi cũng luôn có xu thế tăng giá. Do vậy, nếu có những vùng trồng ngô chuyên canh để cung cấp nguyên liệu thức ăn tại chỗ cho chăn nuôi và giải quyết đầu mối thu mua giết mổ ổn định thì sẽ phát triển được ngành chăn nuôi.

Tìm hiểu về vấn đề cung cấp nguyên liệu tại chỗ thì được biết: Hiện nay huyện Cư M’gar có hơn 10.000 ha ngô và cây trồng ngắn ngày khác. Riêng vụ hè thu năm 2013 huyện đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn với hơn 30 ha ngô tại xã Quảng Hiệp và dự tính sẽ mở rộng diện tích trên nhiều địa phương khác trong tương lai để hỗ trợ đắc lực cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.

Đối với vấn đề giải quyết đầu mối thu mua giết mổ ổn định thì đây cũng là một bài toán nan giải của ngành chăn nuôi huyện Cư M’gar. Ông Lê Văn Nhân (thôn 1, xã Cư M’gar), là người đầu tiên trên địa bàn huyện đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung để quản lý và kiểm soát dịch bệnh gia súc. Do việc vay vốn ngân hàng khó khăn, lãi suất cao nên ông chỉ làm lò mổ thủ công. Dẫu tiền đầu tư lớn nhưng nguồn thu rất ít, không đủ chi phí cho khấu hao tài sản vì các hộ chỉ đem gia súc đến tự giết mổ và trả chi phí từ 20.000 - 30.000 đồng/con, trong khi số lượng gia súc được đưa đến giết mổ không nhiều. Trên thực tế, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ vẫn tràn lan, dịch bệnh gia súc vẫn khó kiểm soát, gây thiệt hại cho người chăn nuôi…  

Trong những năm qua, mặc dù Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư chăn nuôi, song chưa đủ mạnh, cũng như chưa có những ưu đãi cần thiết nên vẫn chưa tạo được môi trường thuận lợi và việc chăn nuôi với quy mô lớn vẫn là một lĩnh vực đầu tư đầy rủi ro. Được biết, huyện Cư M’gar đang có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại địa bàn; đồng thời vận động thêm 2 hộ ở xã Quảng Hiệp và Ea Kpam mở rộng quy mô nuôi heo theo hướng tập trung, nhưng việc vận động cũng gặp phải khó khăn bởi các hộ lại sợ không vay được vốn, không chủ động được phòng chống bệnh dịch nên không dám thực hiện. Trong khi đó việc xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc lại đợi các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và tập trung mọc lên…

 Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.