Cư Króa - điểm sáng trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện M’Drak
Xã Cư Króa (huyện M’Drak) có diện tích đất tự nhiên khoảng 21.895 ha; có 9 thôn với 759 hộ, 3.590 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 40% dân số, còn lại đa số là bà con ở tỉnh Hải Dương vào xây dựng vùng kinh tế mới. Là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt, từ năm 2005 trở về trước đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn bởi thu nhập chủ yếu là dựa vào cây lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu truyền thống nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Khi ấy thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt vài triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70% dân số.
Ông Trịnh Xuân Bàn (thôn 1, xã Cư Króa) với mô hình trồng cỏ nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao. |
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội VIII và Đại hội IX của Đảng bộ huyện là tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy Đảng và chính quyền xã đã xây dựng Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và xác định trồng rừng cho nguyên liệu giấy và chăn nuôi bò bán công nghiệp là các giống cây trồng vật nuôi chủ lực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Nhờ có định hướng đúng và triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay nhiều người dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hiện toàn xã có khoảng 750/757 hộ trồng keo (chiếm trên 90% số hộ) với diện tích 1.150 ha keo lá tràm (chiếm gần 80% diện tích); trong đó hộ trồng ít là khoảng 1 ha, hộ trồng nhiều có từ 70-80 ha. Bên cạnh đó còn có hàng chục hộ chăn nuôi bò bán công nghiệp cũng có thu nhập cao.
Điển hình như gia đình các chị Nguyễn Thị Khuyến, chị Đinh Thị Tuyết ở thôn 3 đã trồng 4-5 ha keo. Do biết áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc đúng quy trình nên vườn keo của gia đình các chị chỉ từ 6-8 năm đã cho thu hoạch; mỗi héc-ta sau khi trừ chi phí còn lãi 40-50 triệu đồng. Còn đối với gia đình ông Trịnh Xuân Bàn ở thôn 1 trước đây cũng là một trong những hộ chăn nuôi bò vào bậc nhất của xã (hàng chục con bò mỗi năm) nhưng chủ yếu là nuôi giống bò địa phương với phương thức chăn thả tự do, tận dụng thức ăn từ đồng cỏ tự nhiên nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, được chọn làm điểm về trồng cỏ và chăn nuôi bò bán công nghiệp, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 3 sào cỏ để nuôi bò và đầu tư thêm 12 triệu đồng để làm hệ thống bép tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được công tưới vừa bảo đảm cung cấp độ ẩm cho cỏ. Với diện tích 3 sào cỏ đã đủ cung cấp thức ăn cho 7 con bò, tiết kiệm được thời gian chăm sóc, hơn nữa chăn nuôi bò theo hướng bán công nghiệp còn thuận tiện cho người chăn nuôi chủ động trong việc vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh; đặc biệt là cho thu nhập kinh tế gấp 3-4 lần so với chăn nuôi thông thường. Mỗi năm từ việc chăn nuôi 7 con bò, gia đình ông thu lãi 50-60 triệu đồng.
Ngoài gia đình chị Khuyến, chị Tuyết và ông Bàn, trên địa bàn xã Cư Króa còn có hàng chục gia đình khác có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thành công. Nhờ vậy đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay toàn xã có 25-30% số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 55-60% số hộ có nhà xây kiên cố; 85-90% số hộ có phương tiện nghe nhìn và xe máy phục vụ sinh hoạt; thu nhập bình quân đầu người năm 2012, đạt trên 12 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm: năm 2012 chỉ còn 24% theo tiêu chí mới; thu nhập bình quân đầu người 6 tháng đầu năm 2013 đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Cư Króa đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương và là điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện M'Drak.
Tiến Ninh
Ý kiến bạn đọc