Để khẳng định vị thế của các giống ngô lai Việt Nam: Cần sự liên kết “4 nhà”
Cây ngô (bắp) là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa và đang góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Gần đây, nhiều giống ngô lai thuần Việt được nghiên cứu và sản xuất thành công trong nước với nhiều đặc điểm vượt trội so với các giống ngô lai ngoại nhập đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để các giống ngô lai Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thì phải cần thêm nhiều yếu tố khác…
Giống ngô lai SSC 557 của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam thực hiện tại huyện M’Drak. |
Không thua kém các giống ngoại nhập
Sau hơn 20 năm phát triển ngô lai, Việt Nam đã từng bước xây dựng được hệ thống nghiên cứu, sản xuất cây ngô, tập trung ở các Viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm, công ty. Một trong những đơn vị đi tiên phong trong nghiên cứu, lai tạo ra các giống ngô lai Việt Nam phải kể đến Viện nghiên cứu ngô. Giai đoạn 1991 – 1993, Viện đã chọn lai tạo 6 giống ngô lai không quy ước LS3, LS4, LS5, LS6, LS7, LS8 được nông dân ở nhiều vùng trong cả nước ưa chuộng bởi ưu điểm cho năng suất khoảng từ 3-7 tấn/ha, không thua kém mấy so các giống lai đơn và lai kép của nước ngoài, nhưng giá rẻ chỉ bằng ¼. Đây là giai đoạn người nông dân tiếp cận quen dần với giống lai, tạo cơ sở cho việc phát triển ngô lai sau này. Liên tiếp từ 1994 đến nay, Viện đã lai tạo và chuyển giao vào sản xuất nhiều giống ngô lai quy ước như: LVN10, LVN4, LVN20, LVN23… thích nghi nhiều vùng sinh thái, kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao (6-10 tấn/ha), giá giống chỉ bằng 60% so giống ngô nhập khẩu. Tiếp theo là thế hệ giống ngô lai có nguồn gốc lai tạo tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam được các cơ quan thẩm quyền đưa vào sản xuất như: V98-1, V98-2, V2002, V25-99, LNS 222, V112, V118… Trong đó, đáng kể nhất là giống ngô lai đơn V98-2 với ưu thế vượt trội là ngắn ngày (85-90 ngày), chịu hạn và chống đổ tốt, năng suất ổn định, rất thích hợp với khu vực Tây Nguyên và trồng được cả 3 vụ/năm. Đặc biệt, khi thâm canh V98-2 có thể cho năng suất cao trên 12 tấn hạt khô/ha; còn trong điều kiện trồng bình thường, trồng quảng canh không bón phân, ít chăm sóc, có thể thu được 9 tấn/ha. Ngoài ra còn có công ty CP Giống cây trồng miền Nam, cũng là một trong những đơn vị nghiên cứu lai tạo thành công các giống ngô lai chất lượng cao như SCC 557 là giống ngô thích nghi rộng, thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn (từ 95-105 ngày), chống chịu tốt, bắp dài 38-42 hạt/hàng, lõi nhỏ, hạt dạng nửa đá, màu vàng cà đậm, năng suất từ 8-10 tấn/ha… Theo ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT), công nghệ lai tạo cây giống của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là về các giống ngô lai, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống của nước ngoài không những về năng suất, chất lượng mà có nhiều đặc tính phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam nhưng giá bán rẻ hơn, rất phù hợp cho nông dân lựa chọn.
Vẫn khó cạnh tranh
Thực tế cho thấy, nhiều giống ngô lai trong nước không thua kém các giống ngoại nhập nhưng vẫn chưa thể chiếm lĩnh rộng rãi trên thị trường nội địa. Hiện mỗi năm Viện nghiên cứu ngô cũng chỉ cung ứng được khoảng 4.000 tấn hạt giống, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chỉ cung ứng được từ 200 - 300 tấn; các đơn vị khác thì cung ứng từ vài chục đến 100 tấn… Ngay ở Dak Lak, nơi có diện tích và sản lượng ngô lớn nhất nhì trong nước, nhưng ở nhiều vùng, giống ngô lai Việt Nam vẫn chưa được ưu tiên lựa chọn. Vậy đâu là nguyên nhân? Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nông Việt Phát, trước hết đối thủ của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc những tập đoàn lớn của nước ngoài như: Monsanto (Mỹ), C.P (Thái Lan), Syngenta (Thụy Sĩ), Bioseed (Ấn Độ)… có kinh nghiệm lâu năm, có chiến lược maketing mạnh, đầu tư kinh phí lớn…, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn phải tự “bơi” nên không đủ lực để cạnh tranh. Thêm vào đó, nhiều hệ thống kho bãi chưa được trang bị hoàn chỉnh nên công tác phơi sấy, bảo quản ngô giống còn hạn chế… Điều khó khăn nữa là hiện tại phần lớn các đơn vị nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở nghiên cứu và lai tạo, còn giai đoạn cung ứng thì phải chuyển giao cho doanh nghiệp (do thiếu kinh phí và nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong hoạt động thị trường). Ngược lại , hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài có thể thực hiện hoàn chỉnh từ khâu nghiên cứu - lai tạo - sản xuất - tiếp thị - quảng cáo và đưa ra thị trường.
Mô hình ngô lai LVN 61 của Viện nghiên cứu ngô thực hiện tại huyện Ea Kar. |
Để giống ngô lai Việt khẳng định vị thế, tạo điều kiện cho người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh giống thì: ngoài việc các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, tạo điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng vững trên thị trường trong nước, trong các chính sách hỗ trợ về giống cho nông dân cần ưu tiên những sản phẩm giống sản xuất trong nước; đồng thời chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân tiếp cận với các giống mới thuần Việt… Có như vậy, thị phần ngô giống mới mang thương hiệu Việt mới mở rộng được thị trường…
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc