10:07, 30/08/2013
Bộ mặt nông thôn Dak Lak đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ, no ấm và sung túc hơn. Trong thành quả này, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự năng động, cần cù của người dân… còn có một phần đóng góp đáng kể của các tổ chức tín dụng trong việc đưa đồng vốn ngân hàng (NH) về khu vực nông thôn.
|
Vốn tín dụng NH đã góp phần đáng kể trong hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. (Trong ảnh: Nông dân huyện Krông Pak thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp.) |
Có thể nói, trong nhiều năm qua, phần lớn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã chú trọng đáng kể đến việc cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có việc đầu tư mở mới các phòng, điểm giao dịch trên địa bàn nông thôn. Đi đầu trong lĩnh vực này là các đơn vị như Dongabank Dak Lak, Vietinbank Dak Lak, Sacombank Dak Lak, Eximbank Buôn Ma Thuột, Quỹ tín dụng Cao su Dak Lak… Cùng với đó, thủ tục cho vay đã được cải cách đáng kể, thời gian thẩm định hồ sơ xin vay của khách hàng cũng được rút ngắn; mức tiền cho vay sát với nhu cầu sử dụng vốn thực tế hơn. Ông Bùi Đình Công (thôn Xuân Hà 1, xã Ea Dah, huyện Krông Năng) tâm sự: Từ khi địa bàn nông thôn có nhiều NH mở các điểm cho vay, việc vay mượn đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Trước đây gần chục năm, cũng với số tài sản thế chấp gần 4ha cà phê, tiêu và nhà ở, NH chỉ giải quyết cho gia đình ông vay vài chục triệu đồng thì nay đã khác. Hiện ông được Phòng Giao dịch Ea Kar (thuộc Chi nhánh Sacombank Dak Lak) cho vay đến 140 triệu đồng – số tiền tương đối đủ để phục vụ đầu tư chăm sóc diện tích cây trồng của gia đình. Không chỉ số tiền được vay tăng lên mà thủ tục giải quyết cũng nhanh gọn, đúng hoặc sớm hơn lịch hẹn. Thông thường, cán bộ NH tiến hành thẩm định ngay sau khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, nên từ khi làm hồ sơ đến nhận tiền vay chỉ khoảng vài ngày. “Nhiều người cho rằng, NH cho vay nhiều sẽ dẫn đến rủi ro lớn. Điều này không hoàn toàn đúng mà phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu nhu cầu của khách hàng là chính đáng thì việc cho vay đủ vốn sẽ là tiền đề quan trọng giúp họ đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, hiệu quả đầu tư. Thật ra, chính việc cho vay nhỏ giọt, không đủ nhu cầu mới tạo ra nguy cơ rủi ro cao. Bởi vì thiếu vốn, người nông dân không có điều kiện đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi đến nơi đến chốn; mua được thiết bị sản xuất hiện đại cũng như áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên hiệu quả mang lại không cao, kéo theo đó thu nhập thực tế thấp, ảnh hưởng lớn đến việc trả nợ NH” - ông Công tâm sự. Ông Bùi Quốc Cương (tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) cho biết thêm, ông đã gắn bó với Phòng Giao dịch Cư M’gar (Chi nhánh Dongabank Dak Lak) gần 15 năm nay chỉ vì một lý do hết sức đơn giản, đó là các cán bộ Phòng Giao dịch này phục vụ khách hàng rất tận tình. Từ khi vay vốn Phòng Giao dịch này đến nay, gia đình ông cũng như nhiều khách hàng khác luôn được cán bộ, nhân viên hỗ trợ nhiều mặt, từ việc nhỏ nhất là hướng dẫn điền thông tin vào hồ sơ vay vốn đến việc quan trọng hơn như thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Dongabank Dak Lak cho biết, việc cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn luôn được chi nhánh đặt lên hàng đầu từ nhiều năm nay. Vì thế, hàng năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ khu vực này luôn cao hơn mức tăng trưởng chung; nhiều phòng giao dịch như Cư M’gar, Krông Pak, Ea Kar… có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 100% tổng dư nợ cho vay của phòng giao dịch. Cùng thể hiện sự quan tâm của các TCTD đối với việc cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn là việc NH NN&PTNT Việt Nam dành 3.000 tỷ đồng cho vay tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Gói tín dụng này mang lại cho người vay nhiều ưu đãi: thời hạn vay dài (khoảng 7 năm), lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất các món vay thông thường. Hiện tại, Chi nhánh Agribank Dak Lak, Agribank Buôn Hồ đang tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy nhanh quá trình đưa số vốn này đến các DN, cá nhân có nhu cầu vay tái canh cà phê.
Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN Dak Lak, tốc độ tăng trưởng cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ chung. Đặc biệt, trong một số thời điểm, nguồn vốn cho vay gặp khó khăn nhưng vốn phục vụ khu vực này vẫn được các TCTD bảo đảm. Tính đến cuối tháng 6-2013, chỉ riêng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các NH thương mại trên địa bàn đã đạt hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm trên 46% tổng dư nợ cho vay (hiện tại có hơn 324 ngàn khách hàng dư nợ). Đại diện nhiều TCTD cho biết, nhu cầu vốn tín dụng ở khu vực nông thôn vẫn còn rất lớn, NH chưa đáp ứng hết; vì vậy trong thời gian tới, việc cho vay nông nghiệp, nông thôn sẽ tiếp tục được chú trọng theo hướng đưa nhanh đồng vốn tín dụng về khu vực này. Một trong những giải pháp quan trọng được ưu tiên thực hiện là tiếp tục mở mới các phòng, điểm giao dịch trên địa bàn nông thôn; cải cách hơn nữa hồ sơ, thủ tục vay vốn. Một tin vui là ngành NH đang xem xét, xây dựng và triển khai phương thức cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hạn mức, hạn chế việc làm lại hồ sơ vay vốn sau mỗi lần trả nợ (thông thường là 1 năm) nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc