Sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp: Cách làm hiệu quả của Hội Nông dân xã Cư Êbur
Năm nào cũng vậy, khi thu hoạch các loại cây trồng, gia đình ông Nguyễn Quốc Huy (thôn 2) lại tích trữ các phế phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, cây đậu, vỏ cà phê… thành từng đống phía cuối sân, cuối vườn. Sau đó thu hoạch xong cà phê gia đình ông lại tập trung làm phân vi sinh. Với các loại phế phẩm nông nghiệp được tích trữ, phân heo sẵn có và một ít chi phí đầu tư men vi sinh, đường mía, hằng năm gia đình ông cũng tạo được hơn hai tấn phân hữu cơ để bón cho cây cà phê. Ông Huy chia sẻ kinh nghiệm: Làm phân vi sinh rất đơn giản, chỉ cần trộn đều hỗn hợp các nguyên liệu rồi ủ, sau 20 ngày kiểm tra, rồi đảo lại; khoảng 3 tháng sau là có thể mang phân ra vườn bón. Thông thường, mỗi năm gia đình ông ủ phân hai lần, cuối tháng 12 thì ủ ngoài vườn và đầu tháng 3, ủ trong sân. Nhờ đó mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được cả chục triệu đồng chi phí mua phân bón.
Bằng việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm phân bón, nhiều hộ nông dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi năm. |
Tương tự, gia đình ông Trần Trọng Khánh (thôn 2) cũng tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm phân hữu cơ vi sinh. Gia đình ông có 4 ha cà phê; với số vỏ cà phê thu hoạch hằng năm và lượng phân chuồng có sẵn của đàn nai 4 con, bình quân mỗi năm gia đình ông ủ được khoảng 3 tấn phân vi sinh. Ông Khánh cho biết, gia đình ông đã tự sản xuất phân vi sinh từ hơn 10 năm nay. Mỗi khi ủ xong một đợt, gia đình lại thuê nhân công đào rãnh quanh gốc cà phê để bón theo hình thức cuốn chiếu từng vùng. Sau hai tháng bón, vườn cà phê như được thay một lớp áo mới, cành lá xanh mướt, quả đều, đẹp. Kiểm tra đất thì tỷ lệ các loại côn trùng hữu ích như: giun, dế tăng cao. Làm phân vi sinh không chỉ tận dụng được các phế phẩm, tiết kiệm chi phí mua phân bón mà còn giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Bởi phân hữu cơ vi sinh rất có ích cho các loại côn trùng hữu ích sống trong đất nên chất mùn, độ tơi xốp của đất cao. Do vậy năng suất của cây cà phê được bảo đảm, ổn định, đạt 3 tấn/năm.
Có thể nói lợi ích của việc làm phân vi sinh là rõ rệt, bởi tổng chi phí bao gồm nhân công của mỗi tấn phân hữu vi sinh tự ủ chỉ mất khoảng 700.000 đồng, nguồn bệnh từ các phế phẩm bị tiêu diệt. Trong khi đó, mua phân tại các đại lý có giá bình quân 2-3 triệu đồng/tấn, cao gấp 3-4 lần và chất lượng phân mua chưa thể bằng phân do bà con nông dân tự ủ bởi thị trường phân bón hiện có rất nhiều loại, thật - giả lẫn lộn, gây khó khăn cho người dân.
Theo Hội Nông dân xã Cư Êbur, từ năm 2000 phương pháp ủ phân hữu cơ vi sinh đã được các hội viên áp dụng vào sản xuất và đặc biệt phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Hiện tại, 70% nông dân trồng cà phê trên địa bàn xã đều ủ phân vi sinh. Đây là một trong những cách làm mang lại hiệu quả thiết thực, giúp năng suất các loại cây trồng trên địa bàn xã luôn được ổn định.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc