Cao su - cây trồng mới ở huyện M’Drak
Diện tích cao su trồng mới đang ngày càng phát triển trên địa bàn huyện M’Drak. |
Từ những khó khăn đó, được sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương, người dân trong huyện đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp. Năm 2006, thông qua các lớp hội thảo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su thì người dân đã bắt đầu nhen nhóm đưa cây cao su về trồng thử nghiệm. Sau thời gian trồng và chăm sóc, nhận thấy cây cao su phát triển khá tốt, không có sâu bệnh, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng, nên người dân bắt đầu mở rộng dần diện tích loại cây này. Đến nay, toàn huyện có khoảng trên 800 ha, phần lớn tập trung tại 3 xã Ea Riêng (200 ha), Ea M’Doal (250 ha), Ea H’Mlay (40,7 ha) - là nơi có các Công ty cà phê 715A, 715B, 715 và xã Ea Pil (204 ha)...; trong đó đã có trên 20 ha cao su đang trong thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân đạt 14,2 tấn (mủ tươi)/ha. Như vậy so với các địa phương trồng cao su hiệu quả như Ea H’leo, Krông Năng, Krông Buk… thì năng suất cao su nơi đây đạt ngang bằng, thậm chí còn cao hơn. Ông Nguyễn Thành Mượu, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê 715A cho biết, việc thay thế diện tích cà phê kém hiệu quả của đơn vị sang trồng cao su đã được Tổng công ty cà phê Việt Nam (công ty mẹ) thống nhất cho phép, thông qua việc kiểm tra, đánh giá về điều kiện tự nhiên, chất đất, tầng đất của vùng phù hợp. Hiện nay 3 công ty 715A, 715B và 715C đã phát triển được trên 500 ha cao su, trong đó có 10 ha đang cho thu hoạch mủ đều. Về chất lượng mủ đã được Viện Khoa học kỹ thuật Nông-lâm nghiệp Tây Nguyên cùng các chuyên gia ngành Cao su Việt Nam kiểm định đánh giá khá tốt, không thua kém ở các vùng cao su trọng điểm trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Dak Lak nói riêng. Vì thế sắp tới theo chủ trương của Tổng Công ty thì toàn bộ 500 ha diện tích cà phê hiện Công ty 715A đang quản lý sẽ được chuyển đổi sang trồng cao su. Điều này đã và đang mở ra một hướng phát triển mới cho địa bàn xã Ea Riêng nói riêng và toàn huyện M’Drak nói chung. Riêng đối với địa bàn xã Ea Pil, địa phương có diện tích cao so lớn nhất huyện với trên 200 ha thì đến nay cũng có khoảng gần 10 ha cao su được người dân trồng từ năm 2006 đang cho thu hoạch đều. Ông Nguyễn Doãn Sùng, Chủ tịch UBND xã Ea Pil chia sẻ: Sau bao năm người dân loay hoay với những loại cây trồng, vật nuôi truyền thống kém hiệu quả thì cây cao su đang được đánh giá là loại cây chiến lược trên địa bàn huyện. So sánh với các loại cây trồng khác như mía, cà phê, mì, ngô... năm nào được mùa, được giá người dân cũng chỉ thu lãi 10 - 20 triệu đồng/ha/loại cây, khi mất mùa thì thua lỗ; còn với cây cao su, theo người dân địa phương đánh giá từ một số diện tích đang thu hoạch thì mỗi ha bà con cũng lãi từ 50 - 60 triệu/năm.
Theo ông Nguyễn Trí Hải, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Drak, cây cao su có thể sẽ là triển vọng mới đối với ngành nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, để cao su phát triển ổn định, đem lại kinh tế khá cho người dân thì ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, giám định chất lượng đất từng khu vực nhằm sớm quy hoạch vùng sản xuất cụ thể, hiệu quả; đồng thời, sẽ kết hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh, địa phương tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mủ sau này. Việc đầu tư trồng cao su có chi phí ban đầu khá lớn (mỗi ha khoảng 40 triệu đồng mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu…) chưa kể còn phải chăm sóc từ 4 - 5 năm mới bắt đầu cho mủ, vì vậy người dân nên cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư vào loại cây trồng này. Cần phát triển đa dạng các loại cây trồng vật nuôi khác của địa phương, tùy thuộc khả năng kinh tế của mỗi gia đình để tránh rủi ro.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc