Công ty Điện lực Dak Lak: Tiết kiệm thời gian, sức lao động từ sáng kiến sử dụng guồng quay đất hình búp sen
Hiện nay, Điện lực Krông Pak đang tiến hành việc thi công công trình hoàn thiện chống quá tải lưới điện, trong đó có việc thực hiện đào 240 móng thanh ngáng trung hạ áp để dựng trụ. Việc đào móng thanh ngáng của ngành Điện lực cũng như trong PC Dak Lak được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Theo đó, công nhân thi công dùng xẻng và xà beng, đào phần đất đặt thanh ngáng phía trên sâu 0,5m, sau đó mới đào khoét hố đặt trụ. Đồng thời, khi khoét hố, để đưa đất lên, công nhân phải dùng bát sành múc đất nên gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Cũng chính từ thực tế này, anh Nguyễn Văn Hải đã nảy ra ý tưởng tạo một vật dụng thay thế xẻng, xà beng, bát sành, có thể đào đất dễ dàng hơn mà vẫn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.
Công nhân Điện lực Krông Pak thực hiện đào móng trụ bằng guồng quay đất hình búp sen. |
Thực hiện ý tưởng, anh Hải cùng nhóm cộng tác đã liên hệ cơ sở rèn để hoàn thành guồng đất quay hình búp sen phục vụ công việc. Vật dụng này được thiết kế gồm có 2 phần riêng biệt, có thể tháo rời. Phần trên được làm bằng ống thép mạ kẽm dài khoảng 1,7 m, ở giữa có thêm phần xỏ tay quay; phần còn lại là guồng quay hình búp sen. Guồng quay này được cấu thành từ 4 miếng thép, được gia công thành hình lưỡi cày và mài sắc hai cạnh; cùng với đó là phần giữ lưỡi có dạng vòng tròn, đường kính 30cm; phần lưỡi và giữ lưỡi khi lắp ráp lại với nhau tạo thành hình búp sen. Bên cạnh đó, kích thước của guồng quay cũng có thể thay đổi tùy theo đường kính trụ điện phải đào. Trong quá trình gia công, tác giả sáng kiến nhận thấy phần lưỡi buộc phải sắc và có độ bền cao nhằm hạn chế bị biến dạng, sứt mẻ khi thực hiện công việc trên địa hình không thuận lợi, do đó anh đã chọn lựa chất liệu phù hợp cùng với việc bố trí các thanh thép chống méo lên bề mặt trên và hàn một ống có ren ngoài để nối với phần thân tay quay.
Qua thời gian sử dụng, dụng cụ này đã mang lại hiệu quả đáng kể. Theo đó, chỉ với mức đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng/guồng quay, người sử dụng có thể thi công đào hố móng thanh ngáng trung hạ áp nhanh hơn, không tốn nhiều sức. Theo đó, guồng quay đất hình búp sen giúp giảm thời gian thực hiện công việc xuống còn một nửa. Trước đây, 2 nhân công sử dụng phương pháp thủ công truyền thống có thể đào được 7-10 hố móng thanh ngáng/1 ngày (nền đất mềm). Đến nay, với điều kiện tương tự nếu dùng dụng cụ cải tiến sẽ thi công được 20 hố móng thanh ngáng. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, người làm cũng không phải cúi xuống hốt đất lên như trước đây mà đất được giữ lại trong guồng cho đến lúc đầy thì nhấc lên đổ ra. Sau khi hoàn thành xong lỗ đặt trụ, móng thanh ngáng vẫn giữ được nền đất tự nhiên, bảo đảm chiều rộng và độ sâu đúng kỹ thuật, do đó khi dựng, trụ không bị nghiêng, lún. Bên cạnh đó, các bộ phận của dụng cụ này có thể tháo rời nên khi di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác rất thuận tiện. Ban đầu, giải pháp này vẫn phải dùng sức người để thực hiện quay và nâng đất lên. Qua thời gian sử dụng, nhận thấy có thể cải tiến sản phẩm hơn nữa, nhóm thực hiện đã lắp đặt thêm động cơ điện và hệ thống bánh răng theo từng cấp nhanh, chậm khác nhau để thuận lợi hơn trong khi thi công trên mọi địa hình.
Sáng kiến này là một giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả cao dù chưa sử dụng được tại các khu vực có nền đất sỏi đá. Bên cạnh đó thiết bị này không khó gia công, giá thành không quá cao nên việc nhân rộng là điều hoàn toàn có thể. Trong thời gian đến, không chỉ tại Điện lực Krông Pak mà còn được sử dụng rộng rãi tại các đơn vị khác, tin rằng guồng quay búp sen sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa.
Hương Cẩm
Ý kiến bạn đọc