Làm thế nào để doanh nghiệp mặn mà với Chương trình xây dựng nông thôn mới?
Doanh nghiệp tham gia hội thảo đầu bờ về mô hình giống lúa mới. |
Theo chủ trương ban đầu của Đảng và Nhà nước, 40% nguồn vốn thực hiện chương trình sẽ được huy động từ ngân sách Nhà nước, 20% từ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân chỉ đóng góp 10%. Song thực tế hiện nay Nhà nước vẫn đóng góp khoảng 50%, người dân phải đóng từ 15-20% trong khi doanh nghiệp mới chỉ đóng góp 5%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà tham gia đầu tư vào khu vực này. Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hoàng Văn Thuyết, Giám đốc Công ty TNHH Chí Viễn Dak Lak cho biết, công ty luôn xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới. Hiện tại công ty đang triển khai rất nhiều mô hình thu mua nông sản của nông dân sản xuất ra. Trong đó đáng chú ý là mô hình "Nhóm nông hộ" thực hiện tại các địa phương đang cho thấy những tín hiệu tốt, đóng góp thiết thực đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi tham gia vào mô hình này, nông dân sẽ được doanh nghiệp đầu tư về vật tư nông nghiệp như giống, thuốc trừ sâu phân bón đến cuối vụ mới thu nông sản. Thế nên doanh nghiệp gắn rất sát với hoạt động của nông dân. Cũng ở dạng mô hình này, Công ty Cổ phần Cao Nguyên Xanh hiện đang cùng tập đoàn Mars Inc. (Mỹ) thành lập các Trung tâm Phát triển Ca cao tại các tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua công ty đã triển khai nhiều mô hình, dự án, thực hiện liên kết 4 nhà, gắn kết công ty với nông dân. Từ việc liên kết này, doanh nghiệp tạo được vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng được những chỉ tiêu về an toàn, sản xuất đúng theo quy trình…từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới như Công ty TNHH Chí Viễn Dak Lak hay Công ty Cổ phần Cao Nguyên Xanh trên địa bàn tỉnh là không nhiều khi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu hướng về nông thôn, phục vụ nông dân của các doanh nghiệp thường gặp phải những “rào cản” đáng kể. Ông Hoàng Văn Thuyết chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp đều nhìn nhận Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới là một trong những cơ hội để phát triển. Thế nhưng để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chương trình này, Nhà nước và các cơ quan hữu quan cần loại bỏ những "rào cản", tạo “sân chơi” lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng cũng có những đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, xây dựng là một trong những nhân tố quyết định, thế nhưng những "đóng góp" của bộ phận doanh nghiệp này là không nhiều, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp xây dựng sẵn sàng chia sẻ với các địa phương trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hòa Thắng, đơn vị đã nhiều năm tham gia phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho rằng, điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn hiện nay là giảm thiểu những rủi ro. Thế nên Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ như vốn, lãi suất, các chương trình tín dụng ưu đãi dài hạn giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần có các giải pháp như quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm giảm bớt rủi ro, hỗ trợ cho đào tạo, lao động… Thông qua các hình thức này các doanh nghiệp mới giảm bớt rủi ro và sẽ an tâm trong vấn đề đầu tư vào nông thôn.
Ngoài ra, nếu thiếu đầu tư doanh nghiệp không chỉ tham gia vào quy trình sản xuất mà còn giúp nông dân bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, để Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, cần phải tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc