Multimedia Đọc Báo in

“Nhảy việc” trong thời buổi kinh tế khó khăn (kì 1)

10:12, 17/10/2013

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất kinh doanh, không bảo đảm nguồn thu nhập, khiến không ít người lao động (NLĐ) phải “nhảy việc” từ DN này đến DN khác. Trong số đó, có người may mắn tìm được việc làm ổn định, thu nhập khá, có người rơi vào tình cảnh thất nghiệp…

Kỳ I: “Nghìn lẻ  một” lý do

Có hàng loạt lý do khiến nhiều NLĐ có tâm lý muốn chuyển đổi công việc. Đặc biệt là do kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện nay, tình trạng “nhảy việc” không còn là vấn đề mới mẻ nữa, nhất là với giới trẻ…

Muôn kiểu “nhảy việc”

Phỏng vấn người lao động tại một phiên giao dịch việc làm.
Phỏng vấn người lao động tại một phiên giao dịch việc làm.

Theo số liệu của các ngành chức năng, 9 tháng năm 2013, trên địa bàn tỉnh số DN đến làm thủ tục giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN tiếp tục tăng. Cụ thể, có 96 DN xin ngừng hoạt động, trong đó 36 DN giải thể, 60 DN bị xử lý theo hình thức xóa tên và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký; 14 chi nhánh và 3 văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 108 DN tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 396 DN bỏ địa chỉ kinh doanh…, trong đó có nhiều DN không phát sinh doanh thu trong quý III-2013. Đó là những nguyên do chính khiến NLĐ, phần lớn ở các công ty tư nhân muốn đầu quân cho một DN khác với hy vọng tìm cho mình chỗ đứng thích hợp hơn. Theo thông tin từ Công ty TNHH Minh Phát (đường Lý Thái Tổ, TP.Buôn Ma Thuột), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, đơn vị có đến 5 lao động nghỉ việc, chủ yếu nhân viên ở bộ phận kế toán và thủ quỹ. Theo nhận định của ông Đậu Chí Thanh, Giám đốc công ty, ngoài một số lao động khi tích lũy đủ kinh nghiệm và có đồng vốn trong tay đã ra mở đại lý riêng, một số khác do không tuân thủ Luật Lao động nên buộc phải nghỉ việc. Còn về phía NLĐ, Chị H.T.M (TP.Buôn Ma Thuột) bộc bạch: từ năm 2012 đến nay chị đã làm việc ở 4 nơi, nơi nào lâu nhất cũng chỉ 8 tháng, có nơi chị chỉ làm 3 tháng rồi nghỉ vì cảm thấy công việc không phù hợp với chuyên môn của mình. Trường hợp anh M.T.H (TP.Buôn Ma Thuột), dù đã có việc làm ổn định trong một bệnh viện tư nhân cỡ lớn ở TP.Buôn Ma Thuột gần 8 năm nay, nhưng do thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, cùng với áp lực công việc ngày càng cao nên anh quyết định nghỉ việc và mong chờ cơ hội mới đến với mình ở một cơ quan khác. Còn với trường hợp của anh Nguyễn Đắc Huy (huyện Cư Kuin), mới ra trường được 1 năm, nhưng anh đã chuyển đổi công việc đến 3 lần, với đủ lý do từ khách quan đến chủ quan. Anh kể, lần đầu quân đầu tiên ở Công ty Cổ phần tập đoàn N.H (Ea H’leo), trong quá trình làm việc bị sai sót về số liệu nên công ty không ký tiếp hợp đồng với anh, còn khi đầu quân ở một đại lý phân bón, do đồng lương quá thấp, làm nhân viên thị trường phải đi lại nhiều nên không đủ chi phí, thế là anh đành nghỉ việc. Mới đây anh nộp hồ sơ vào một đại lý phân phối mặt hàng nước uống đóng chai trên địa bàn thành phố; và anh cũng cho biết, đây cũng chưa thể là điểm dừng chân cuối cùng của mình, bởi công việc này thu nhập rất bấp bênh.

Được và mất

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Sự chuyển đổi công việc nếu được lựa chọn kỹ càng và xác định đúng hướng đi sẽ mang lại kết quả như mong muốn đối với người “nhảy việc”, ngược lại sẽ dễ dẫn đến tình trạng… thất nghiệp! Còn đối với DN, dù xuất phát từ nguyên do nào cũng dẫn đến hệ lụy là mất NLĐ có kinh nghiệm, chuyên môn, và để bù lại DN đó phải mất một thời gian dài cùng với chi phí cho công tác tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới. Ông Đậu Chí Thanh chia sẻ, cứ một nhân viên bỏ việc, công ty lại mất thời gian cho công tác tuyển dụng, khó khăn nhất là việc đào tạo chuyên môn cho nhân viên mới, ít nhất cũng mất một tháng mới có thể làm quen với công việc. Trong khi đó, NLĐ cũng có những trường hợp “kẻ cười người khóc” từ vấn đề “nhảy việc”. Một trong số những NLĐ mà chúng tôi tiếp cận có anh N.N.T (TP.Buôn Ma Thuột), gần 40 tuổi đời, anh đã có “thâm niên” 10 lần thay đổi công việc, từ vị trí của một nhân viên cơ quan hành chính sự nghiệp đến bảo vệ phòng khám tư nhân, sau nhiều lần “lên bờ xuống ruộng”, hiện anh rất hài lòng với vai trò của người quản lý thị trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên của một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP.Hồ Chí Minh, với mức lương cao và công việc ổn định. Anh cho biết, mặc dù đòi hỏi của một nhân viên quản lý thị trường rất khắt khe, nhưng từ trước đến nay anh đã tạo dựng được uy tín đối với nhiều mối hàng nên công việc của anh cũng thuận buồn xuôi gió. Ngược lại, với trường hợp của anh N.N.Q, năm 2010, anh được nhận vào làm ở Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, hưởng lương theo quy định của công chức Nhà nước, nhưng thấy mức lương thấp, nghe theo lời bạn bè nên anh đã bỏ việc – một vị trí mà nhiều cử nhân luật muốn cũng không được - để chờ một cơ hội mới. Rồi anh quyết định “Nam tiến”, hiện đang đầu quân cho một công ty luật tư nhân ở TP.Hồ Chí Minh. Anh cho biết, làm ở cơ quan mới lương cao hơn, nhưng mọi chi phí sinh hoạt ở đây đều đắt đỏ, thậm chí có tháng anh không đủ trả tiền phòng trọ. Bây giờ thì anh đã biết mình quyết định quá vội vàng và nông nổi, nhưng mọi sự đã quá muộn…

(còn nữa)

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc