Multimedia Đọc Báo in

Vùng trọng điểm cà phê Cư M'gar: Hướng đến nền sản xuất bền vững

09:37, 23/12/2013

Đến nay, diện tích cà phê trên địa bàn huyện Cư M’gar đã lên tới con số gần 36.000 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 80.000 tấn. Sự phát triển quá “nóng” như vậy đã dẫn đến tình trạng rừng bị tàn phá nặng nề, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức… khiến môi trường sinh thái trong vùng bị phá vỡ. Vì thế, việc sắp xếp và quy hoạch lại loại cây trồng chủ lực này theo hướng bền vững hơn đang là vấn đề mà chính quyền cùng người dân ở đây quan tâm.

Nhìn từ thực tế

Trong số diện tích cà phê hiện có trên địa bàn, các doanh nghiệp Nhà nước quản lý 2.230 ha, năng suất bình quân 2,3 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 5.100 tấn. Số diện tích còn lại hơn 33.000 ha thuộc sở hữu của các nông hộ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar, hầu hết diện tích cà phê do các doanh nghiệp quản lý đều có quy trình tổ chức sản xuất khá hoàn thiện và phù hợp, nhờ vậy năng suất, sản lượng và nhất là  chất lượng sản phẩm không ngừng được cải thiện, nâng cao. Còn về phía các nông hộ thì vẫn còn bộc lộ nhiều yếu tố bất cập và hạn chế.

Ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho rằng: ngoài 16.000 ha cà phê do người dân trồng từ những năm 1986 - 1995 đã già cỗi, cho năng suất và sản lượng thấp thì diện tích cà phê được trồng tự phát ở những vùng ngoài quy hoạch hơn 5.000 ha trong vòng 5-7 năm trở lại đây thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn thiếu nước khiến đời sống sản xuất của người dân thực sự gặp khó khăn. Những năm hạn hán xảy ra, nhiều hộ dân đã bất chấp nguy hiểm, nổ mìn, khoan giếng để tìm nước tưới. Thế nhưng, nguồn nước vẫn không đáp ứng nhu cầu sản xuất nên diện tích cà phê không nằm trong vùng quy hoạch này có năm mất trắng 30-40%. Cũng do canh tác manh mún, thiếu tập trung nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Không kể việc mua, chọn giống không bảo đảm chất lượng, quy trình canh tác thụ động và còn quá phụ thuộc vào thiên nhiên… thì công đoạn thu hoạch và chế biến mặt hàng chiến lược này vẫn còn thiếu đồng bộ. Trong số hơn 33.300 ha cà phê do các nông hộ quản lý, mới chỉ có khoảng 1/3 (chủ yếu là các mô hình trang trại có quy mô từ 3 - 6 ha) bước đầu đáp ứng được những yêu cầu về quản lý chất lượng, còn lại ở trong tình trạng “được chăng, hay chớ” do tâm lý phổ biến: cây gì cho hiệu quả kinh tế cao thì đổ xô vào trồng, bất chấp quy hoạch và yếu tố có bền vững hay không (!)

Thu hái cà phê theo yêu cầu 90% quả chín trở lên cũng góp phần nâng cao chất lượng cà phê.
Thu hái cà phê theo yêu cầu 90% quả chín trở lên cũng góp phần nâng cao chất lượng cà phê.

Điều đó được ông Võ Thảo và anh Nguyễn Hữu Định (xã Ea Mnang) chia sẻ: Hiện cây tiêu đang có giá thì bà con phá bỏ cà phê để trồng tiêu và đến lúc nào đó không còn “sốt” nữa, lại quay về với cây trồng cũ. Có nghĩa là điệp khúc trồng - chặt rồi lại chặt - trồng theo nhịp điệu thất thường của thị trường khiến người nông dân phải mướt mồ hôi. Vậy mà cũng chẳng ăn thua gì, bởi trồng cây nào cũng thế – muốn có hiệu quả phải tính toán đầu tư bài bản, các yếu tố: quỹ đất, nguồn nước, máy móc, sân bãi và kho tàng… phải đảm bảo mới tính chuyện lâu dài, bền vững được. Còn kiểu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún “tới đâu hay đó”, thiếu nước thì cứ moi đất, đục đá lên mà tìm; đến khâu chăm sóc, thu hái cũng tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà có cách vận dụng khác nhau, điều quan trọng là làm sao để nâng cao chất lượng cho hạt cà phê thì ít ai quan tâm đến. Nhiều người làm cà phê lý giải là do thiếu điều kiện và năng lực sản xuất. Theo ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar, trong số hơn 30.000 hộ làm cà phê ở đây mới chỉ có số ít hộ, hay nói chính xác là có 178 trang trại làm cà phê có quy mô từ 3 - 6 ha mới hướng tới yếu tố bền vững trên các mặt: tuân thủ quy hoạch, biện pháp canh tác, liên kết để sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, mục tiêu hướng tới một nền sản xuất cà phê bền vững dựa trên những tiêu chí trên đang là vấn đề mà huyện Cư M’gar quan tâm nhất hiện nay.        

Những khởi động bước đầu

Từ nhận thức phát triển cà phê bền vững phải đảm bảo năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo phương hướng ổn định lâu dài, giải quyết hài hòa về lợi ích kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững trật tự an toàn xã hội…, Đảng bộ và chính quyền huyện Cư M’gar đã có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Và bắt đầu từ năm 2012 đến nay việc xây dựng và phát triển nền sản xuất cà phê bền vững ở đây đã có những khởi động bước đầu.

Trước hết là quan hệ sản xuất đã được tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp hơn, mối liên kết và hợp tác giữa lợi ích và trách nhiệm của “4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông và doanh nghiệp) được quan tâm và chú trọng nhằm sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đất, nước và bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng tốt hơn. Cụ thể, trong hai năm qua đã có 1625 hộ liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển cà phê bền vững dưới hình thức đóng góp vườn cây của mình gần 2.600 ha với sản lượng ổn định, có chất lượng từ  7.000-7.200 tấn/năm. Từ chương trình này, người nông dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách thuận lợi nhờ “bà đỡ” là các doanh nghiệp nên năng suất, chất lượng cà phê không ngừng được cải thiện. Ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho rằng: Những động thái đó phù hợp với xu thế phát triển sản xuất cà phê trong tình hình mới. Nó không những tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, mà còn đồng hành và giúp doanh nghiệp chủ động gắn kết, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho việc kinh doanh, xuất khẩu của mình trong bối cảnh “tranh mua, tranh bán” gay gắt như hiện nay. Thông qua mối liên kết giữa “4 nhà” ấy, các doanh nghiệp như Công ty 2-9, Trung Nguyên, Dak Man… hiện đang cùng người nông dân hợp tác đầu tư nhằm mở rộng chương trình sản xuất cà phê có thông tin, chứng nhận 4C, UZT, Rainforest để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho mặt hàng chiến lược này. Từ đó dần khuyến khích người làm cà phê xây dựng nhóm hộ, tổ hợp tác và hợp tác chủ động thực hiện các dịch vụ chăm sóc, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để từng bước giảm thiểu tổn thất cho ngành hàng cà phê ở địa phương. Ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar cũng đã vạch ra lộ trình từ nay đến năm 2015 không mở rộng diện tích trồng mới, tập trung chuyển đổi số diện tích cà phê già cỗi, không đủ nước tưới và không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để ổn định diện tích cà phê trên địa bàn ở mức 28.000 ha, sản lượng đạt khoảng 80.000 tấn/năm.

Ông Phạm Văn Trình, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: lộ trình này luôn đi cùng với việc sử dụng hợp lý tài nguyên đất - nước; phục hồi và gìn giữ môi trường sinh thái ổn định gắn với quy hoạch tổng thể về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đến năm 2020. Có thể nói, cà phê là cây trồng chủ lực, có sức chi phối mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân địa phương; đồng thời là nguồn thu chủ yếu của ngân sách huyện, nên việc đầu tư trở lại cho cộng đồng làm cà phê trên địa bàn thông qua Chương trình phát triển cà phê bền vững là việc làm cấp bách, thiết thực và đầy ý nghĩa. Hy vọng đến năm 2015 và những năm tiếp theo, Cư M’gar sẽ là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của tỉnh với đầy đủ các yếu tố cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân và doanh nghiệp sống và gắn bó mật thiết với cà phê.           

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.