Hoàn thiện mạng lưới giao thông: Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Ở bất kỳ địa phương nào, hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng – miền núi, nông thôn – thành thị. Vì vậy, những năm qua, tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng mạng lưới giao thông ngày một hoàn thiện, là yếu tố “đi trước, mở đường” cho tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân địa phương trong thời kỳ mới.
Huy động tối đa mọi nguồn lực
Với đặc điểm của Dak Lak, giao thông đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông, do đó trong những năm qua tỉnh đã đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này nhằm tạo nên một diện mạo mới trên vùng đất đỏ bazan, đưa Dak Lak trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên. Trước hết, phải kể đến những dự án trọng điểm như: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và Dự án cầu giao thông nông thôn tại huyện Ea Súp và Krông Bông. Quốc lộ 14 qua địa bàn tỉnh có chiều dài 125 km - là tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nên tỉnh đã tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng tuyến đường. Theo đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân nơi tuyến đường chạy qua được đặt lên hàng đầu; đồng thời với phương án hỗ trợ, đền bù và tái định cư hợp lý trong việc bàn giao mặt bằng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Trong năm nay, tuyến đường được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, với tổng kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải nhấn mạnh: với các dự án được khởi công trên tuyến đường này có ý nghĩa rất to lớn, sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng cho Dak Lak nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. Về phía chủ đầu tư, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẳng định do tính chất quan trọng và ý nghĩa huyết mạch của tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực Tây Nguyên nên Chính phủ đã cho phép huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này. Tuyến đường như là một món quà tri ân đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Người dân huyện Krông Ana tham gia ngày công làm giao thông nội đồng. |
Cùng với Quốc lộ 14, Dự án xây dựng cầu giao thông nông thôn (cụ thể đối với 2 dự án cầu Ea Súp và cầu Krông Kmar) cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Nhờ vậy, cuối năm 2012, dự án xây dựng 2 cầu nói trên đã được Tổng Công ty Tekken Nhật Bản khởi công, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 6-2014. Sau khi hoàn thành, 2 công trình này sẽ góp phần nối thông tuyến từ trung tâm 2 huyện Ea Súp và Krông Bông với các xã lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Thi công Quốc lộ 14C. |
Xây dựng hạ tầng giao thông dựa trên sức mạnh nội lực là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sức lan tỏa trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong tháng 11-2013, nhân dân các địa phương đã đóng góp ngày công và tiền bạc làm mới 23 km đường bê tông, sửa chữa gần 100 km đường giao thông thôn, buôn và nội đồng. Phong trào giao thông nông thôn trở thành điểm nhấn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương, điển hình như xã Ea Ô (huyện Ea Kar), Hòa Đông (Krông Pak), xã Ea Tul (Cư M’gar). Nổi bật nhất phải kể đến 3 địa phương tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen gồm các xã: Bình Hòa (Krông Ana), Quảng Tiến (Cư M’gar) và Dliê Yang (Ea H’leo).
Thêm gần đường tới thôn, buôn
Với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh đối với việc xây dựng hạ tầng giao thông, đến nay tỷ lệ nhựa hóa các tuyến đường tỉnh đạt 83,15%; đường huyện gần 68%; đường xã trên 27%; đường nhựa đến trung tâm xã đạt trên 98,6%. Hệ thống giao thông đã và đang từng ngày thu dần khoảng cách giữa các vùng miền, đường đến thôn, buôn của đồng bào gần hơn, dễ dàng hơn. Trong hệ thống giao thông đường bộ ở Dak Lak, phải kể đến những tuyến đường mang tính chiến lược, không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh mà còn có ý nghĩa rất quan trọng việc bảo đảm quốc phòng - an ninh như đường Đông Trường Sơn và Quốc lộ 14C. Nếu như Quốc lộ 14C được xem là làn gió mới làm thay đổi bộ mặt của 2 huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp thì đường Đông Trường Sơn được ví như mạch máu đem lại cuộc sống mới cho hàng ngàn hộ dân, trong đó đa phần là người dân tộc thiểu số thuộc các vùng căn cứ cách mạng Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao (huyện Krông Bông), vùng còn nhiều khó khăn như Ea H’Mlay, Ea Riêng, Ea Lai, Krông Á, Cư San (M’Drak). Anh Hoàng Viết Thành, người dân xã Krông Á (M’Drak) phấn khởi cho biết: từ ngày đường Đông Trường Sơn qua địa bàn xã được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách từ xã đến trung tâm huyện; từ đó các phiên chợ của người dân địa phương cũng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn.
Thi công phần trụ cầu tại công trình cầu Ea Súp (huyện Ea Súp). |
Theo ông Y Puăt Tơr, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, để hạ tầng giao thông ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân địa phương và trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, Sở đã điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 dựa trên mục tiêu bảo đảm giao thông thông suốt từ quốc lộ đến đường thôn, buôn, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Cụ thể, từ nay đến năm 2020 tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện có, xây dựng mới một số công trình có yêu cầu cấp thiết, phấn đấu nhựa hóa hoặc bê tông hóa tất cả các tuyến đường tỉnh, huyện và đường đô thị, cứng hóa tối thiểu 70% số km đường xã và 50% số km đường thôn, buôn; định hướng đến năm 2030 sẽ cứng hóa 100% số km đường xã, 75% đường thôn, buôn.
Phạm Hoàng
Ý kiến bạn đọc