Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi an toàn sinh học là nông dân tự cứu mình

12:06, 23/03/2014
Nghề chăn nuôi ở tỉnh ta đang được chú ý phát triển, với tổng đàn gia súc trên 931.000 con, gia cầm trên 8,6 triệu con. Tuy nhiên, trong những năm gần đây người chăn nuôi liên tục phải đối mặt với dịch bệnh, nhất là dịch heo tai xanh và cúm gia cầm.
 
Mỗi lần dịch bùng phát là người chăn nuôi lại điêu đứng, nhiều hộ rơi vào cảnh “trắng” chuồng, trắng tay; những đàn gia súc, gia cầm sạch bệnh cũng bị vạ lây vì tắc đầu ra không tiêu thụ được. Theo Chi cục Thú y, một trong những nguyên nhân dịch bệnh bùng phát là do môi trường chăn nuôi không an toàn, nghĩa là người chăn nuôi chỉ lo đầu tư phát triển đàn, còn khâu xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thực trạng chất thải chăn nuôi xả thẳng ra môi trường quanh khu chăn nuôi; chuồng trại không được vệ sinh thường xuyên gây ruồi muỗi, hôi thối… còn rất phổ biến ở vùng nông thôn. Môi trường chăn nuôi đã không bảo đảm, công tác tiêm phòng lại cũng chưa được quan tâm, thử hỏi làm sao tránh được dịch bệnh? Giải pháp đưa ra là người dân cần phải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bắt đầu từ việc con giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ, đến chuồng trại thoáng mát, có hệ thống xử lý chất thải, thực hiện vệ sinh chăn nuôi hàng ngày và phun thuốc tiêu trùng khử độc theo định kỳ…Việc này cũng đã được ngành chăn nuôi tỉnh quan tâm hướng đến, vì hàng năm ngành chăn nuôi, khuyến nông đều thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các địa phương để chuyển giao, nhân rộng giúp người chăn nuôi bảo vệ “gia tài” của mình.
 
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là chuyển biến về ý thức của người chăn nuôi thông qua mô hình không nhiều, khi mô hình kết thúc thì đâu lại vào đấy. Chính vì vậy mà dịch bệnh cứ xảy ra liên tục và người chăn nuôi vẫn là người bị thiệt hại nhiều nhất. Thay vào việc trông chờ sự trợ giúp của Nhà nước, đã đến lúc người chăn nuôi phải tự cứu mình bằng những việc làm đơn giản - đó là thay đổi tập quán chăn nuôi, hướng đến phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thiết nghĩ, việc làm này không khó, nhưng cũng không phải làm được ngay trong “một sớm một chiều”. Vậy nên, ngành chăn nuôi cần vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền và hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi thực hiện thành công phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Nguyễn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.