Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cây trồng giúp người dân thoát nghèo ở Ea M'đoan

08:42, 25/03/2014
Xã Ea M’đoan (huyện M’Drak) có 4.270 khẩu, sống tập trung ở 10 thôn. Trong những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, đời sống của người dân trong xã đã từng bước ổn định.

Gia đình ông Lê Công Hoan ở thôn 10 cho biết: “Gia đình tôi có 4 ha đất canh tác. Trước đây đã bị thất bại nhiều lần với nhiều giống cây trồng khác nhau như: cà phê, điều, bông vải… và sau mỗi lần thất bại lại phải phá bỏ hoàn toàn”. Không nản chí và tiếp tục thử nghiệm các loại cây trồng mang lại hiệu quả, năm 2008, gia đình ông chuyển 3 ha đất trồng điều sang trồng hơn 1.600 cây cao su; diện tích đất còn lại ông trồng các loại cây ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay chỉ tính riêng 3 ha đất trồng cây cao su mỗi năm cho thu hoạch 9 tháng, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu nhập trên 37 triệu đồng. Nhờ hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng hợp lý, gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang, mua sắm nhiều vật dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Từ mô hình của ông, nhiều hộ nông dân trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ca phê  chè sang trồng cây cao su.

Người dân xã Ea M’đoan đang được ông Lê Công Hoan hướng dẫn  cạo mủ cây cao su.
Người dân xã Ea M’đoan đang được ông Lê Công Hoan hướng dẫn cạo mủ cây cao su.

Cũng như gia đình ông Hoan, gia đình anh Lê Văn Kỷ (ở thôn 6) sau nhiều lần thất bại ở nhiều cây con giống khác nhau, năm 2005 anh đã mạnh dạn đầu tư trồng trên 500 trụ tiêu trên diện tích 3000m2, mỗi năm thu hoạch hơn 1 tấn hạt; sau khi trừ chi phí thu về trên 100 triệu đồng. Hiện nay anh đang tiếp tục trồng thêm 600 trụ tiêu nữa…

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình thành công từ sự thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế gia đình. Ông Chu Minh Thanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong những năm qua, UBND xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân. Đảng bộ, chính quyền xã đã định hướng cho nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững, mà còn tạo bước chuyển về kinh tế, làm tiền đề góp phần thực hiện thành công Đề án xây dựng nông thôn mới. Địa phương cũng đã triển khai thực hiện quy hoạch vùng trồng cây công nghiệp như cao su, tiêu và trồng rừng. Hiện nay, toàn xã đã trồng được 74 ha cao su và trên 25 ha tiêu… Trong năm 2013 tổng diện tích gieo trồng toàn xã thực hiện là 2.037 ha/1.904 ha, đạt 107% KH, tăng 78 ha so với năm 2012; tổng giá trị sản xuất là 51,2 tỷ đồng so với năm 2012, tăng 12%, đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng; số hộ nghèo giảm 30 hộ, 145 khẩu so với năm 2012 (giảm 3,5% theo KH). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn: sản phẩm nông sản còn nhỏ lẻ manh mún, chưa có nhà máy thu mua nên người dân phải tự tìm nơi tiêu thụ, thường bị các tư thương ép giá…

Tiến Đức – Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc