Multimedia Đọc Báo in

Vốn vay cho phát triển rừng: Doanh nghiệp khó tiếp cận

11:04, 24/03/2014

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp càng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn khi gần như đơn vị nào cũng đang có tiềm lực yếu lại luôn trong tình trạng khan vốn.

Qua 10 năm sắp xếp đổi mới các nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh hiện có 15 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, quản lý 197.721 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó diện tích được giao không thu tiền sử dụng đất 31.053 ha, diện tích phải chuyển sang thuê là 14.991 ha. Thực trạng chung của các công ty lâm nghiệp hiện nay là vẫn chưa tạo được sự chuyển biến mang tính đột phá, vì vậy chưa nâng cao được hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng, đất đai. Rừng do các công ty quản lý tiếp tục bị phá, đất đai bị lấn chiếm, xâm canh ngày càng nhiều, phức tạp, tranh chấp kéo dài. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ tiềm lực tài chính của các đơn vị này sau sắp xếp, đổi mới còn yếu. Ngay như một số đơn vị được đánh giá là làm ăn có hiệu quả như: Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, M’Drak, Ea Kar… cũng phải chật vật tự xoay xở đồng vốn mới bảo đảm được hoạt động sản xuất, đời sống người lao động. Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (Krông Bông) cho biết: Sau sắp xếp đổi mới, cơ chế hoạt động mới giúp các công ty lâm nghiệp tự chủ hơn, tuy nhiên, các công ty chỉ có mỗi thế mạnh về quỹ đất, nhưng cũng chẳng thế nào phát huy được thế mạnh ấy. Bởi ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty cũng như các đơn vị khác hiện vẫn nằm ở Sở Tài nguyên và Môi trường, vì hầu hết các đơn vị đều không có khả năng tài chính để nộp thuế.

Riêng đối với Công ty, mặc dù diện tích được thuê là 19.000 ha gồm đất rừng và lâm nghiệp, đã có Quyết định của UBND tỉnh, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Sở Tài nguyên – Môi trường, nhưng doanh nghiệp không thể nhận về, bởi không kiếm đâu ra tiền để trả tiền thuế thuê đất lên đến 2 tỷ đồng/năm. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc không có tài sản thế chấp nếu muốn vay vốn. Đây chính là lý do vì sao các công ty lâm nghiệp khó tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Thiếu vốn nên doanh nghiệp không thể nào tạo được bước đột phá trong phát triển sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất vẫn chỉ là duy trì những gì đã có, vốn phát triển rừng hằng năm chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ Dự án Flitch. Năm 2012, để phát triển sản xuất nhưng không tìm đâu ra nguồn vốn, ban giám đốc Công ty đã phải dùng tài sản cá nhân thế chấp để vay vốn ngân hàng”. Tương tự, trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar cũng đã đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế theo hướng nông lâm kết hợp, nhưng cũng như các đơn vị khác, vì thiếu vốn mà khó có những hoạch định cho chiến lược phát triển lâu dài. Để có vốn giúp công ty duy trì hoạt động, ông Nguyễn Hùng Mạnh, giám đốc Công ty cũng phải dùng tài sản cá nhân thế chấp vay vốn ngân hàng.

Thiếu vốn, các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.  Trong ảnh: Kiểm tra rừng keo trồng ở huyện Krông Năng.
Thiếu vốn, các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Trong ảnh: Kiểm tra rừng keo trồng ở huyện Krông Năng.

Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh của tỉnh cũng đã nêu rõ những khó khăn về cơ chế tài chính đối với các công ty nông – lâm nghiệp gặp phải, nhất là đối với công ty lâm nghiệp còn nhiều vướng mắc. Các công ty lâm nghiệp thành lập với mục tiêu chủ yếu là quản lý bảo vệ và kinh doanh rừng sản xuất, nhưng không được tự chủ khai thác gỗ theo phương án kinh doanh. Diện tích rừng chưa được xác định giá trị để giao vốn cho doanh nghiệp. Việc vay vốn của ngân hàng thương mại để trồng rừng sản xuất rất khó khăn (lãi suất cao, thời hạn vay ngắn trong khi chu kỳ sản xuất dài). Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm đã đặt doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, có đất, có lao động nhưng không phát triển được sản xuất, dẫn đến việc sử dụng đất đai kém hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí quản lý bảo vệ diện tích rừng sản xuất và rừng tự nhiên không  được khai thác gỗ, các doanh nghiệp lâm nghiệp phải tự cân đối theo nguồn thu của đơn vị và tính theo định mức bình quân chi phí bảo vệ là 200.000 đ/ha/năm thì không thể đủ để trả lương và chi phí khác.

Tại nhiều hội nghị về lâm nghiệp, các kiến nghị đề xuất với UBND tỉnh từ  phía doanh nghiệp đều mong muốn Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Tài sản duy nhất mà những doanh nghiệp này có là diện tích đất rừng Nhà nước giao, nhưng ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng cũng chưa đơn vị nào có đủ khả năng tài chính thực hiện nghĩa vụ nộp thuế để có thể sở hữu, vì vậy các đơn vị này đã kiến nghị với chính quyền địa phương thực hiện những giải pháp: hoặc cho thuê đất không thu tiền, hoặc nếu có thu tiền thì cho ghi nợ thuế hoặc giãn thời gian nộp thuế sử dụng đất. Bởi vậy, chỉ khi tháo gỡ được “nút thắt”  về vốn thì mới giúp loại hình doanh nghiệp này chủ động vừa phát triển tổ chức sản xuất kinh doanh vừa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và từng bước nâng cao chất lượng rừng. 

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.