Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm đưa việc khai thác cát vào quy củ (Kỳ II)

10:10, 08/07/2014

Kỳ II: Quá nhiều hệ lụy

Việc khai thác cát trên các tuyến sông Krông Ana, Krông Nô, Sêrêpôk không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh mà còn phục vụ cho thị trường Dak Nông, do đó sản lượng cát khai thác là rất lớn. Tuy nhiên tình hình khai thác cát bừa bãi đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là việc các đơn vị, cá nhân khai thác kiểu “tận thu”. Tình trạng nói trên đã tác động xấu đến môi trường, cuộc sống của người dân và rất nhiều hệ lụy khác.

Tan nát những bờ sông

Sông Krông Nô chảy qua huyện Krông Ana với chiều dài khoảng 20km thì đã có gần 18km được chính quyền sở tại cấp phép khai thác cát. Sự khai thác theo kiểu bát nháo, tận diệt, không có kiểm soát của cơ quan chức năng trong một thời gian dài đã khiến các bờ sông bị biến dạng nghiêm trọng. Chẳng hạn, theo phản ánh của người dân dọc bờ sông Krông Nô, 3 năm trước, chiều rộng của sông Krông Nô chỉ khoảng 30 - 40m, thế nhưng đến nay, hai bên bờ sông đã bị nước lấn vào với sự xâm thực rất lớn và nhanh, có đoạn rộng hơn 100m, lòng sông bị xoáy sâu xuống cả chục mét. Hai bên bờ sông đang ngày càng bị sụt lún, lấn sâu vào đất canh tác của nhiều hộ dân. Vào mùa mưa lũ, bà con nơm nớp lo sợ hoa màu, thậm chí cả tính mạng có thể bị cuốn trôi theo dòng nước. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh dọc dài bờ sông, đoạn do Doanh nghiệp tư nhân Đức Tài khai thác, đã xảy ra hiện tượng sạt lở với chiều dài trên 20m. Bờ sông thuộc khu vực Hợp tác xã Đoàn Kết khai thác cũng bị sạt lở hơn 300m.

Thuyền khai thác cát cặp sát bờ sông Krông Ana để hút cát.
Thuyền khai thác cát cập sát bờ sông Krông Ana để hút cát.

Trong khi đó, dọc đoạn sông Krông Ana chảy qua địa phận xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) và Yang Ré (huyện Krông Bông) tình trạng sạt lở cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Trên đoạn sông Krông Ana hiện có 2 khu vực được tỉnh cấp phép khai thác cát là khu vực cầu chữ V (ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) và khu vực cầu Giang Sơn (đoạn chảy qua xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin và xã Yang Ré, huyện Krông Bông). Thế nhưng xuôi dòng sông về phía hạ lưu cầu Giang Sơn cũng đã có nhiều đoạn sạt lở cả hai bên bờ khi hàng chục chiếc tàu khai thác cát  ngang nhiên thò “vòi rồng” vào bờ sông hút cát. Vùng bị sạt lở vốn là đất màu mỡ, được nhân dân trồng ngô, lúa, đậu 2 đến 3 vụ năng suất rất cao (ngô lai từ 12-14 tấn/vụ, lúa từ 6-10 tấn/vụ). Trong khi đó, theo quy định, tàu khai thác cát phải cách bờ sông ít nhất 5m, độ sâu cho phép 4m. Nhưng với lợi nhuận khổng lồ, bất chấp quy định, các đối tượng vẫn cho tàu thuyền neo đậu hút cát sát ngay bờ sông.

Thất thu thuế

Không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường, dòng chảy, vấn nạn sa tặc còn gây thất thu nguồn thuế khá lớn cho huyện. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Krông Ana đang có 6 đơn vị được cấp phép khai thác cát, với tổng sản lượng 440.000 m3/năm.

Bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng.
Bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng một phần do ảnh hưởng của tình trạng hút cát.

Tuy nhiên, trên thực tế, số sa tặc đang khai thác phi pháp còn cao hơn gấp nhiều lần so với số doanh nghiệp được cấp phép. Cụ thể, ngoài 6 đơn vị có phép còn có 13 doanh nghiệp khác vẫn ngang nhiên khai thác cát trái phép mà không thấy cơ quan chức năng nào xử lý. Ông Nguyễn Văn Sáng, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Krông Ana cho biết: “khai thác cát đang là điểm nóng và vấn đề về thất thu thuế đang được tỉnh hết sức quan tâm. Đầu năm 2014, huyện đã thành lập Đoàn 4860 do cơ quan thuế chủ trì phối hợp cùng công an, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, Phòng Hành chính và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn để chống thất thu thuế trong lĩnh vực này”. Chưa tính thuế thu nhập doanh nghiệp, bình quân mỗi m3 cát được khai thác và xuất bán tại đây phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách khoảng 20.000 đồng. Thế nhưng, theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Thuế huyện Krông Ana, số thực thu mỗi năm chỉ khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng, bằng khoảng 50% so với thực tế khai thác và kinh doanh cát tại đây.

Ngoài ra, việc khai thác cát còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tuyến đường liên thôn, xã, tỉnh lộ. Với mật độ xe vận chuyển cát thường xuyên, trọng tải lớn khiến nhiều tuyến đường bị biến dạng, hư hỏng, xuống cấp; nhiều xe chở cát không theo thời gian quy định còn gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân...

 Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc