Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm đưa việc khai thác cát vào quy củ (Kỳ I)

09:53, 07/07/2014

Kỳ I: Dai dẳng nạn khai thác cát trái phép

Nhiều năm qua, do nhu cầu lớn về xây dựng nên trên địa bàn tỉnh diễn ra tình trạng khai thác cát ồ ạt với số lượng lớn, một số bến cát không được cấp giấy phép khai thác vẫn ngang nhiên hoạt động. Trên các tuyến sông Krông Ana, Krông Nô (đoạn chảy qua huyện Krông Ana), Sêrêpôk, hàng chục tàu thuyền, sà lan ngày đêm vươn vòi “móc ruột” lòng sông. Hai ven bờ ngổn ngang những bến bãi tập kết cát sỏi trái phép...

Bãi tập kết cát của DN tư nhân Đức Tài vẫn hoạt động  tấp nập dù không có giấy phép.
Bãi tập kết cát của Doanh nghiệp Tư nhân Đức Tài vẫn hoạt động tấp nập dù không có giấy phép.

Từ chuyện 4 doanh nghiệp chung 1 giấy phép

Mặc dù giấy phép khai thác cát đã hết hạn từ năm 2006, nhưng đến nay, DN tư nhân Đức Tài và DN tư nhân Quyết Thắng vẫn ngang nhiên cho tàu khai thác cát trên sông Krông Nô. Thành lập từ năm 2004, đến ngày 24-9-2010, DN Đức Tài được UBND tỉnh cho phép thăm dò cát xây dựng trên sông Krông Nô với chiều dài dọc sông là 3,47km. Đến thời điểm hiện tại, DN vẫn chưa có giấy phép khai thác cát. Vậy nhưng, từ năm 2010 đến tháng 4-2014, DN Đức Tài đã khai thác đến 78.886m3 cát. Theo ghi nhận của phóng viên, DN này có 3 tàu hoạt động khai thác cát với công suất 15m3, 17m3 và 20m3, bình quân mỗi ngày khai thác khoảng 100m3 cát. Giống DN Đức Tài, với 4 tàu có công suất từ 15-30m3 và 2 chuyến/ngày, mỗi ngày DN Quyết Thắng khai thác được khoảng 100m3. Mặc dù chưa có giấy phép, nhưng cả 2 DN này đều ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trên sông với đội ngũ nhân viên và máy móc hết sức hùng hậu. Giải thích về vấn đề này, ông Lưu Thanh Vương, chủ DN tư nhân Đức Tài cho biết: Năm 2009, các đơn vị khai thác cát trên sông Krông Nô diễn ra tranh chấp địa bàn. Đỉnh điểm của sự xích mích ấy là vụ nổ súng vào nhau… Trước tình hình đó, UBND huyện Krông Ana đã yêu cầu các đơn vị lên làm việc qua đó, 4 DN: Quyết Thắng, Đức Tài, Đoàn Kết và Trung Thiện ký vào văn bản thỏa thuận cùng chung nhau khai thác. Tuy nhiên, năm 2010, chỉ có DN Trung Thiện và Đoàn Kết được chính quyền cấp phép khai thác cát. Từ đó, theo văn bản thỏa thuận, trong thời gian chờ được cấp phép, 2 DN còn lại đã tiếp tục khai thác bằng cách “nương nhờ” giấy phép của DN khác. Ông Lưu Văn Thành, chủ DN tư nhân Trung Thiện cho hay: “Năm 2009, chúng tôi có làm văn bản thỏa thuận việc khai thác chung và dùng chung giấy phép. Để được khai thác là do có sự đồng ý của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Ana nên chúng tôi mới thực hiện”.

Những chiếc thuyền không đăng ký, đăng kiểm ngang nhiên hoạt động trên sông Sêrêpôk.
Những chiếc thuyền không đăng ký, đăng kiểm ngang nhiên hoạt động trên sông Sêrêpôk.

Đến chuyện sa tặc lộng hành

Dọc ba nhánh sông nói trên, hàng ngày có hàng chục tàu, thuyền hút lớn, nhỏ thay phiên nhau “rút ruột” lòng sông, đưa cát lên bờ để bán trực tiếp cho khách hàng hoặc vận chuyển tận nơi tại địa điểm cần tiêu thụ. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những bến cát được cấp giấy phép khai thác, có khá nhiều bến “cát chui” không có giấy phép khai thác nhưng máy hút vẫn hoạt động với công suất lớn. Đứng trên cầu số 4 (cầu Giang Sơn) trên tuyến QL 27, nhìn xuống 2 bên chân cầu thấy san sát những bãi tập kết cát hai bên bờ sông Krông Ana, xe cộ vào ra tấp nập lấy cát; phía bờ sông hàng chục sà lan lút đầy cát sỏi xếp hàng chờ tới lượt đổ hàng xuống bãi. Phía xa xa ở giữa lòng sông hàng trăm sà lan, nốc thuyền thi nhau đưa vòi xuống đáy sông hút cát; tiếng máy nổ inh ỏi, nhốn nháo cả một khúc sông dài hàng cây số. Những bến cát này hoạt động thường xuyên và ngang nhiên hút cát cả ban ngày lẫn đêm; đối tượng khai thác lậu đã chuyển từ sử dụng máy móc hút nhỏ sang giàn khoan hiện đại có cần dài gần 20m, tạo nên cường độ, công suất hút sâu, số lượng nhiều hơn. Với những máy hút công suất lớn, chỉ cần thả vòi hút xuống lòng sông chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, hàng chục khối cát đã nằm gọn trong khoang tàu.

Thực trạng hàng trăm con tàu đang ngày đêm hoạt động hết công suất theo kiểu tận diệt trên các nhánh sông như đang thách thức các cơ quan chức năng.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.