Cần sớm đưa việc khai thác cát vào quy củ (Kỳ III)
Kỳ cuối: Cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa
Trước những hệ lụy do việc khai thác cát bừa bãi gây ra, vấn đề chấn chỉnh tình trạng này đang đặt ra hết sức cấp bách, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành.
Cơ quan chức năng kêu khó
Mặc dù tình trạng khai thác cát bừa bãi xảy ra trong nhiều năm liền, nhưng chính quyền sở tại thiếu cương quyết nên các đơn vị trên vẫn mặc sức khai thác cát. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Krông Ana khẳng định: “Đúng là trong văn bản có 4 DN thỏa thuận khai thác cát và chỉ có 2 đơn vị được cấp giấy phép… Năm 2013, chúng tôi đã ra văn bản số 118 yêu cầu các đơn vị trên chấm dứt hoạt động tình trạng khai thác chung giấy phép, nhưng đến nay, 2 DN không phép vẫn tiếp tục cho tàu ra sông hút cát”. Cũng theo ông Cương, sở dĩ DN Quyết Thắng và Đức Tài không chịu chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép là vì họ “đang trong thời gian… xin gia hạn giấy phép”. “Dù chúng tôi đã ra văn bản yêu cầu chấm dứt, nhưng họ không chấp hành vì có sự đồng thuận giữa đơn vị có phép và không phép... Điều này phải nói tỉnh, bởi tỉnh phải giải quyết dứt điểm, cấp hay không cấp cũng phải trả lời, chứ suốt mấy năm 2 đơn vị này cứ chờ gia hạn… vì thế rất khó cho chúng tôi trong việc quản lý”. Thực tế thời gian xin gia hạn giấy phép khai thác cát của 2 đơn vị trên đã hết hạn, không có bất kỳ lý do nào để biện minh cho việc khai thác không phép như Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường đã trình bày. Rõ ràng, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng đang bị buông lỏng. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sông Krông Nô bị “bức tử”. Trước đó, Sở Tài nguyên – Môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường và chính quyền xã, huyện cùng các cơ quan chức năng đã kết hợp với sở tại tiến hành nhiều đợt truy quét, xử lý các đối tượng liên quan đến khai thác tài nguyên trái phép. Thế nhưng cũng không rõ vì lý do gì, sau đợt truy quét ấy, nạn khai thác cát bừa bãi đâu lại vào đó…
Một điểm tập kết cát “không tên” tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana. |
Cần quyết liệt hơn nữa
Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận và người dân sinh sống hai bên dòng sông Krông Nô, ngày 29-5-2014, Sở Tài nguyên – Môi trường đã ra văn bản số 74 quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường và khoáng sản đối với 8 đơn vị khai thác cát trên địa bàn huyện Krông Ana… Trước đó, để xử lý vấn đề khai thác cát trái phép và đưa hoạt động này vào nề nếp là một bài toán hết sức khó khăn đang đặt ra cho các cơ quan chức năng. Tại thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết trong buổi làm việc với các sở, ngành và UBND các huyện về xử lý các tồn đọng trong việc khai khoáng nêu rõ: “Giao các sở, ngành và chính quyền địa phương căn cứ tính chất mức độ vi phạm của từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xem xét, xử lý và áp dụng mức xử phạt cao nhất đảm bảo tính răn đe. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để xử lý nhằm đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nề nếp. Trong đó, công tác quy hoạch vùng khoáng sản, nguyên liệu làm vật liệu xây dựng cần đặt lên hàng đầu, tiếp đến là sắp xếp lại vùng khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng cho phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh lại hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định, chấm dứt nạn khai thác khoáng sản trái phép như hiện nay”.
Rõ ràng các cơ quan chức năng đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng, sự cần thiết phải đưa việc khai thác cát vào quy củ, nhưng hiệu quả chưa thật sự cao khi sự vào cuộc vẫn chưa quyết liệt. Có rất nhiều lý do khiến cho hoạt động khai thác cát diễn ra tràn làn trên các con sông, trong đó có lý do chính quyền địa phương không chặt chẽ trong công tác quản lý; cho mở, cho thuê bến bãi sai quy định của pháp luật, vô hình trung đã tiếp tay cho hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Ông Phạm Minh Toản, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường cho rằng, để giải quyết triệt để nạn khai thác cát bừa bãi trên địa bàn tỉnh cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Theo ông Toản, gần như tất cả tàu khai thác cát đều không có đăng ký, đăng kiểm nên không thể kiểm soát được. Trong khi đó Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường không có chức năng kiểm tra mà vấn đề này thuộc về Thanh tra Giao thông và lực lượng CSGT. Vì vậy nếu các đơn vị này phối hợp tốt với nhau thì ít nhất cũng quản lý được số lượng tàu, thuyền. Bên cạnh đó cũng cần phải có quy hoạch đồng bộ, khoa học khu vực khai thác cát. Làm được như thế cơ quan chức năng sẽ dễ quản lý hơn và chắc chắn rằng hoạt động khai thác cát sẽ sớm đi vào quy củ.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc