Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ kinh nghiệm về tái canh cà phê

08:08, 06/07/2014

Tái canh cà phê đang là nhu cầu cấp bách của những vùng trồng cà phê, riêng Dak Lak từ năm 2013 -2020 bình quân mỗi năm có 4.000 ha cần được tái canh. Tuy nhiên, tái canh cà phê là vấn đề khó không chỉ về nguồn vốn đầu tư lớn mà còn đòi hỏi cao về kỹ thuật. Sự thành công về tái canh cà phê ở Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi là điều cần được phổ biến, nhân rộng..

Theo Sở NN-PTNT, Dak Lak hiện có hơn 203.000 ha cà phê, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 190.000 ha, năng suất bình quân trên 24 tạ/ha. Ngành sản xuất cà phê của Dak Lak đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề diện tích vườn cà phê bị già hóa, năng suất thấp ngày càng tăng, trong khi diện tích được trồng tái canh thành công không nhiều. TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, vấn đề mà phần lớn người trồng cà phê khi tái canh gặp phải là sau 2-3 năm tái canh, vườn cây có hiện tượng vàng lá, rễ cọc, rễ tơ bị thối, cây phát triển kém hoặc chết, nhất là ở các diện tích không được luân canh và không loại bỏ toàn bộ rễ cũ. Đây là bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng Pratylenchus coffeae và nấm Pusarium solani gây ra. Vì vậy, để tái canh cà phê thành công, trước hết nông dân cần tuân thủ đúng quy trình tái canh của Bộ NN-PTNT đưa ra hoặc học tập các mô hình tái canh cà phê thành công của các công ty cà phê, trong đó có Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi - đơn vị đã được cấp chứng nhận sáng kiến về quy trình tái canh này.

Vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi  được nhiều người đến tham quan, học tập.
Vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi được nhiều người đến tham quan, học tập.

Hiện Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi có gần 1.800 ha cà phê, trong đó trên 500 ha già cỗi cần được tái canh. Từ năm 1999, công ty đã tiến hành tái canh nhưng không luân canh, cải tạo đất mà nhổ cà phê già cỗi đi và trồng lại ngay. Trong 3 năm đầu, diện tích cà phê được tái canh phát triển tốt nhưng khi bước sang những năm đầu kinh doanh, vườn cây bắt đầu phát triển kém, năng suất thấp dần và không ổn định qua các năm. Từ thất bại đó, Công ty đã dày công nghiên cứu, đưa ra quy trình tái canh mới và năm 2002 bắt đầu thanh lý trên 39 ha cà phê già cỗi, thực hiện luân canh, cải tạo đất trong 3 năm, trong đó 2 năm đầu trồng cây ngô nhằm thay đổi cây ký chủ, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nhận khoán có diện tích thanh lý cà phê. Đến năm thứ 3, trồng muồng hoa vàng 2 vụ/năm, vụ 1 trồng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 (dương lịch), đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi cây muồng cao trên 1 m bắt đầu ra hoa thì tiến hành cày vùi xuống đất và tiếp tục gieo vụ 2, đến tháng 11 tiếp tục cho cày vùi và tiến hành phơi ải đất để năm sau (năm thứ 4) tiến hành trồng mới cây cà phê. Theo ông Nguyễn Xuân Thái, Tổng Giám đốc Công ty, ngoài thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật như: khai hoang, rà rễ và thu gom sạch rễ… thì mục đích của việc trồng hoa muồng vàng vì đây là cây họ đậu, có hàm lượng chất xanh cao, rễ có nốt sần, có vi sinh vật cố định đạm; thân, lá có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, khả năng cải tạo đất tốt, giúp nâng độ phì nhiêu của đất, vừa luân canh thay đổi cây ký chủ của nấm bệnh, đặc biệt là tuyến trùng. Từ năm 2002 đến nay, công ty đã tiến hành thanh lý và trồng mới tái canh được gần 200 ha và 100% đều đạt chuẩn vườn cây phát triển tốt, năng suất bình quân từ 3-5 tấn/ha, chất lượng hạt cà phê được nâng lên 70% – 75% so với khi chưa tái canh, tăng tỷ lệ hạt cà phê loại R1 (7,1 mm).

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đây là mô hình rất thành công về tái canh cà phê mà các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất cà phê nên học tập kinh nghiệm, tuy nhiên sẽ khó khăn cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ vì thời gian cải tạo đất hơi dài, nguồn vốn khá lớn. Do vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các nông hộ tiếp cận với nguồn vốn vay tái canh cà phê để họ yên tâm thực hiện đúng kỹ thuật của quy trình tái canh cà phê.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc