Multimedia Đọc Báo in

Tái đàn sau dịch: Người chăn nuôi lao đao vì thiếu vốn

14:16, 01/07/2014

Dịch cúm gia cầm (DCGC) đã được đẩy lùi hơn 2 tháng, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Cư Kuin bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp nhiều khó khăn do người chăn nuôi thiếu vốn…

Loay hoay tái đàn

Đợt DCGC xảy ra hồi đầu năm 2014 đã gây thiệt hại khá lớn cho người chăn nuôi. Toàn tỉnh có hơn 21.000 con gia cầm bị bệnh và tiêu hủy, trong đó huyện Cư Kuin bị nặng nhất với 4 ổ dịch tại 2 thôn của 2 xã Ea Hu (3 hộ), Ea Bhôk (1 hộ), tổng số gia cầm mắc bệnh chết, tiêu hủy là 11.842 con, bao gồm: 1.885 con gà, 9.831 con vịt, 85 con ngan đẻ và 41 con chim bồ câu. "Cơn bão" DCGC quét qua khiến các hộ chăn nuôi gia cầm lâm cảnh tay trắng. Sau khi dịch được khống chế, giá gà tăng mạnh trở lại, thị trường hút hàng, người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, hầu hết đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, trong khi nguồn tiền hỗ trợ tiêu hủy cho người dân vẫn chưa có, trong khi kênh đầu tư chính cho các chủ gia trại, trang trại chăn nuôi gia cầm trước đây là các đại lý thức ăn chăn nuôi hiện nay cũng đang “đuối” vốn.

Anh Dương Quốc Nhơn ở thôn 2, xã Ea Hu, chủ trang trại vịt bị thiệt hại nặng trong đợt dịch vừa qua với 1.477 con vịt đẻ, 2.781 con vịt con, 236 con gà trên 60 ngày tuổi cho biết: để đầu tư cho trang trại anh đã vay ngân hàng 250 triệu đồng. Khi đàn gia cầm bị dịch, phải tiêu hủy toàn bộ thì bao nhiêu tài sản, vốn liếng coi như mất hết, trong khi phải gồng lên để trả lãi ngân hàng. Giờ dịch đã hết, giá gia cầm tăng mạnh nhưng vốn để tái đàn không có, tiền hỗ trợ cũng không thấy. Vừa rồi, anh Nhơn “làm liều” mua nợ toàn bộ 3.000 con vịt và thức ăn để tái đàn, bởi vì không còn cách nào khác để xoay tiền trả lãi ngân hàng và trả nợ tiền thức ăn 110 triệu đồng. Anh chỉ mong sớm có tiền hỗ trợ tiêu hủy trong đợt dịch vừa rồi để yên tâm phát triển đàn. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, hộ chị Nguyễn Thị Hồng Tuyết (thôn 2), chủ trang trại chăn nuôi gà bị thiệt hại lớn trong đợt DCGC vừa qua, tâm sự: chỉ sau một đêm ngủ dậy mà xem như trắng tay, nợ nần chồng chất, toàn bộ đàn gia cầm, gồm: 2.175 con vịt 28 ngày tuổi, 85 con ngan đẻ, 40 con bồ câu đẻ và 1.611 con gà 90 ngày tuổi bị dịch phải tiêu hủy hết, thiệt hại đến 500 triệu đồng, trong khi gia đình đang nợ 300 triệu đồng tiền vay ngân hàng để đầu tư chăn nuôi. Không còn vốn để tái đàn sau dịch, chờ đợi mãi vẫn không thấy tiền hỗ trợ, gia đình đành đi vay nóng 120 triệu đồng, đầu tư mua 2.000 con vịt thịt để tái đàn, lấy tiền trả lãi nợ. Đó là chưa kể đến khoản tiền mà chị phải gánh do đại lý bán thức ăn chăn nuôi của chị cho người dân mua nợ thức ăn gia cầm, đến nay vẫn chưa thu về được, vì các hộ đều thua lỗ nặng do DCGC, không còn khả năng trả nợ.

Chủ động tiêm phòng vẫn là biện pháp tốt nhất để phòng DCGC.
Chủ động tiêm phòng vẫn là biện pháp tốt nhất để phòng dịch cúm gia cầm.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, trong đợt DCGC vừa qua, trên địa bàn huyện chỉ có 4 ổ dịch nhưng số lượng gia cầm bị tiêu hủy nhiều nhất, các hộ chăn nuôi bị dịch hầu như là “trắng” chuồng. Sau dịch, các hộ này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái đàn, nhất là về vốn. Hiện tại, huyện không còn nguồn kinh phí để hỗ trợ cho người dân tái đàn, phải chờ nguồn hỗ trợ từ tỉnh. Huyện đã nhiều lần lên tỉnh làm việc về vấn đề này, mong có tiền hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Chủ động phòng dịch bệnh

Sau dịch, mặc dù nhiều hộ gặp khó khăn trong việc tái đàn nhưng nhìn chung tình hình chăn nuôi trên địa bàn đang dần phục hồi, hiện tổng đàn gia cầm của huyện 482.791 con, đặc biệt đàn thủy cầm (ngan, vịt) phát triển khá mạnh. Để chủ động phòng dịch bệnh trên đàn gia cầm, tránh thiệt hại cho người dân như đợt dịch vừa qua, UBND huyện đã ban hành kế hoạch khử trùng, tiêu độc định kỳ 4 lần/năm, đồng thời phân công cán bộ thú y theo dõi từng địa bàn để phát hiện, xử lý kịp thời gia cầm mắc bệnh. Theo đó, ngoài những cơ sở chăn nuôi lớn đã biết phối hợp với cơ quan thú y triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa như làm vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin cho gia cầm… thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã có biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh như vệ sinh chuồng trại, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng thú y đã tiêm phòng được 70% tổng đàn gia cầm, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại 176 thôn, buôn; 16 chợ và nơi công cộng, 9.181 hộ dân. Đặc biệt, huyện đã xây dựng được một cơ sở chăn nuôi an toàn, chuyên cung cấp con giống sạch bệnh cho người dân trong, ngoài huyện và đã được Bộ NN-PTNT công nhận là cơ sở an toàn về dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, để hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan siết chặt quản lý trong khâu lưu thông, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành, cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.

Theo anh Ngô Đức Lợi, cán bộ thú y huyện, vừa qua UBND huyện đã đồng ý chủ trương thành lập Hội chăn nuôi - thú y - thủy sản huyện Cư Kuin, nhằm liên kết các hộ, doanh nghiệp, nhà khoa học xây dựng chuỗi chăn nuôi kép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi. Hiện tại các thành viên trong Hội đang vận động các hộ chăn nuôi tham gia. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong tình hình phát triển chăn nuôi bấp bênh như hiện nay, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc