Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cà phê ứng phó với biến đổi khí hậu: Hướng canh tác bền vững

09:01, 01/07/2014

Trong những năm gần đây sản xuất cà phê ở Dak Lak gặp khá nhiều bất lợi do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra hạn hán, sâu bệnh… làm giảm năng suất, chất lượng. Từ năm 2012, Dự án sản xuất cà phê thích ứng với BĐKH được triển khai đã giúp nhiều hộ dân tiếp cận các phương pháp ứng phó với BĐKH trong hoạt động sản xuất, góp phần phát triển ngành cà phê bền vững hơn.

Đối mặt với biến đổi khí hậu

Cà phê là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp cao vào giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, nông dân trồng cà phê đang liên tục gặp khó khăn do hạn hán, mưa trái vụ, sâu bệnh… gây ra đã khiến năng suất cà phê giảm đáng kể, có nơi giảm 30-40%.

Theo TS. Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, diễn biến thời tiết ở Tây Nguyên đang ngày càng có xu thế cực đoan hơn: thiên tai xảy ra thường xuyên; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông, lốc xoáy, mưa đá xuất hiện ngày càng nhiều và bất thường. Nhất là tần suất xuất hiện mưa vào các tháng 12, tháng 1 khá phổ biến đã làm cho các loại cây trồng như điều, cà phê gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn. Cây cà phê sau một thời gian khô ráo cùng với nhiệt độ giảm đã phân hóa mầm hoa, khi tưới nước đầy đủ thì hoa nở, nhưng nhiều khi gặp mưa phùn thì quá trình thụ phấn gặp trở ngại (do phấn không tung được) dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Hoặc mới vào đầu mùa khô xuất hiện một đợt mưa phùn làm hoa cà phê nở lai rai, khiến tỷ lệ đậu quả thấp, ảnh hưởng đến năng suất và thu hoạch cũng như việc sơ chế cà phê, thời gian phơi kéo dài, nhân bị đen, lỗi chất lượng theo TCVN 4193 - 2005 sẽ tăng, kéo theo giá bán thấp. Trong khi đó, từ tháng 4 đến tháng 7, giai đoạn cây cà phê cần nhiều nước để đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng cây và phát triển của quả, song gần đây thời tiết các tháng này lượng mưa có xu hướng thấp, tần suất mưa ít, gây thiếu nước, làm quả cà phê bị khô và rụng, hoặc nhân nhỏ, dẫn đến thiệt hại về năng suất và giảm chất lượng cà phê nhân.

Anh Trịnh Ngọc Thi (bên phải) đang chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê.
Anh Trịnh Ngọc Thi (bên phải) đang chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê.

Theo những nông dân trồng cà phê ở thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến (Cư M’gar), những năm gần đây thời tiết có những biến đổi rõ rệt, nhiệt độ tăng, mực nước ngầm giảm nhiều, mỗi năm bà con phải đào giếng xuống thêm 3-4 m mới có đủ nước tưới. Bên cạnh đó lại xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa khiến hoa cà phê nở không đồng loạt, nhiều hoa bị thối, không đậu quả; sâu bệnh hại xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ gây hại nghiêm trọng, nhất là rệp sáp khiến nhiều vườn cây giảm đến 40% năng suất. Đặc biệt, sự bạc màu của đất có thể nhìn thấy bằng mắt thường, một năm mưa rửa trôi khoảng 1 phân đất mùn. Bởi vậy, trước đây tưới nước, bón phân cho cà phê ít bao nhiêu thì bây giờ ngược lại.

Nông dân được trang bị cách ứng phó

Với mục tiêu cung cấp các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp nông dân trồng cà phê ứng phó với BĐKH, góp phần tăng khả năng phục hồi, thích nghi và quản lý rủi ro trong sản xuất cà phê, tiến đến sản xuất cà phê bền vững trong khu vực, Dự án Sản xuất cà phê ứng phó với BĐKH được EDE Consulting khu vực Châu Á – Thái Bình Dương triển khai tại 5 xã (Quảng Tiến, Cư M’gar, Cư Suê, Ea H’Đinh, Ea Kpam) huyện Cư M’gar từ tháng 8-2012 trong bối cảnh nông dân đang lúng túng tìm cách ứng phó với biến đổi của thời tiết, nhất là tình trạng sâu bệnh và thiếu nước tưới khiến cây cà phê bị giảm năng suất nghiêm trọng. Theo nông dân Trịnh Ngọc Thi (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến), khi tham gia vào dự án, các hộ trồng cà phê trong vùng được tham gia rất nhiều hoạt động như: hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê có năng suất, chất lượng và bền vững; giới thiệu và trang bị các công cụ (kiến thức, biện pháp, kỹ năng thực hành trên vườn cây…) ứng phó với BĐKH; vay vốn tín dụng quay vòng của nhóm; tham gia các hoạt động kinh tế tập thể, gồm: mua phân bón chung, làm cà phê theo chứng chỉ và bán sản phẩm tập thể…  Đến nay đã có 70-80% số hộ thực hiện trồng cây che bóng trên vườn cà phê, hầu hết nông dân đều thực hiện tưới nước tiết kiệm (400 lít/gốc), dùng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân cân đối và đúng thời điểm. Nhờ vậy đã cơ bản giải quyết được vấn đề nước tưới và sâu bệnh hại, vườn cà phê được cải thiện tốt hơn, năng suất dần ổn định và có chiều hướng tăng dần, đồng thời môi trường sinh thái được bảo vệ tốt.

Người dân chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong bối cảnh khí hậu đang có những diễn biến phức tạp
Người dân chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong bối cảnh khí hậu đang có những diễn biến phức tạp

Ông Đỗ Thành Chung, Giám đốc Quốc gia về dự án cho biết: ngoài giá cả thì có 3 vấn đề nông dân trồng cà phê đang gặp phải, đó là nước tưới, sâu bệnh và bón phân cân đối. Do vậy, khi triển khai dự án chúng tôi căn cứ vào thời vụ để tập huấn, trang bị kiến thức cho nông dân, nghĩa là vào thời điểm tưới nước thì tập huấn và thực hành trên vườn cây về tưới nước tiết kiệm; về bón phân, tỉa cành, phun thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ đó mà nông dân thực hành rất tốt và hiệu quả trên vườn cà phê của gia đình, góp phần giảm những tác động của BĐKH đến vườn cây. Điều bất ngờ hơn cả là theo kế hoạch, dự án chỉ triển khai cho 750 hộ thuộc 5 xã, nhưng trên thực tế đã thu hút hơn 900 hộ, trong đó có khoảng 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi dự án không trả tiền thù lao cho bà con nông dân đến tham dự tập huấn như các dự án khác. Đến nay dự án đã thành lập được 6 nhóm nông dân sản xuất cà phê bền vững với 177 người, 1 HTX Dịch vụ nông nghiệp ở xã Quảng Tiến; xây dựng 13 mô hình thích ứng với BĐKH và phù hợp với việc thực hành nông nghiệp (GAP)… Dự kiến, khi dự án kết thúc (tháng 12-2014), chúng tôi sẽ thành lập được 5 điểm cung cấp thông tin về sản xuất cà phê ứng phó với BĐKH nhằm cung cấp thông tin, tư vấn cho những người có nhu cầu muốn tìm hiểu về vấn đề này, đồng thời mong muốn các đơn vị được đặt các điểm cung cấp thông tin khi triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ lồng ghép các nội dung liên quan đến BĐKH để duy trì hiệu quả của dự án.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.