Multimedia Đọc Báo in

Nông nghiệp hữu cơ: Giải pháp cho sản phẩm sạch

09:21, 13/08/2014

Suy giảm đa dạng sinh học, đất đai bạc màu, ô nhiễm môi trường… đang là những vấn đề mà sản xuất nông nghiệp của Dak Lak phải đối mặt. Theo đó, xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là đòi hỏi bức thiết, song để nhân rộng mô hình này vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Xu thế tất yếu

Theo Hiệp hội NNHC Việt Nam, sản xuất NNHC đang trở thành xu thế tiêu dùng hiện đại trong đó Bắc Mỹ và châu Âu hiện là hai thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ nhiều nhất và nhu cầu không ngừng tăng, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch sang thị trường này. Doanh số tiêu dùng sản phẩm NNHC trên toàn thế giới hiện khoảng hơn 59 tỷ USD/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2000. Ở Dak Lak, nền nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, sản lượng lương thực và nông sản hàng hóa ngày càng nhiều, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên do sản xuất vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững, sức cạnh tranh thấp, sản phẩm khó tiêu thụ đã gây khó khăn cho nông dân. Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang gây ô nhiễm môi trường và suy giảm chất lượng nông sản. Do vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Với Dak Lak, để định hướng phát triển một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì vấn đề an toàn thực phẩm cũng như nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước sẽ ngày càng cấp thiết. Hiện một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, tiêu, mật ong… đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, tuy nhiên, hầu hết nông sản ở Dak Lak xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chất lượng chưa cao, do vậy giá trị gia tăng rất thấp. Với điều kiện tự nhiên của Dak Lak việc phát triển nền NNHC trong thời gian tới sẽ là cơ hội cho sản phẩm cây công nghiệp, nhất là những mặt hàng cà phê, hồ tiêu…

Sản xuất rau an toàn ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) để hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Sản xuất rau an toàn ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) để hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, mục đích chính của sản xuất NNHC là sản xuất thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao,  duy trì và làm tăng độ màu mỡ của đất, tránh ô nhiễm từ canh tác, giảm thiểu nguồn nguyên liệu không có khả năng phục hồi, kém thân thiện với môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần xem xét, đó là phát triển nền NNHC với quy mô nào, đối tượng nào; và quan trọng hơn có tìm được thị trường hay không? Cùng với đó là sự đồng thuận và ủng hộ của người tiêu dùng, sự hỗ trợ của Nhà nước là điều kiện vô cùng quan trọng.

Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích

Thực sự, NNHC là một cơ hội cho nông nghiệp Dak Lak, nhất là khi giá bán các nông sản đang lên xuống thất thường, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát có hiệu quả. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều thách thức khiến nông dân không mặn mà với phương pháp sản xuất này. Trên thực tế, lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ ở Dak Lak chỉ chiếm vị trí rất nhỏ, quá trình canh tác theo phương pháp sản xuất NNHC cần nhiều sức lao động, phức tạp và kỳ công hơn so với sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… đã khiến nhiều hộ dân ngần ngại áp dụng. Thêm vào đó, thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC chưa phát triển, các sản phẩm của quá trình canh tác hữu cơ do không sử dụng thuốc hóa học nên hình thức không bắt mắt, khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và khung pháp lý cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC, mặc dù đầu năm 2007 Bộ NN-PTNT ban hành tiêu chuẩn ngành số 10/TCN602-2006 cho các sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, nhưng tiêu chuẩn này còn rất chung chung và chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc cấp chứng nhận hữu cơ để làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất, chế biến và các đối tượng quan tâm khác thực hiện. Ngoài ra, NNHC còn đứng trước một thách thức lớn là nông dân thờ ơ với loại hình sản xuất này do chi phí sản xuất cao mà thu nhập lại thấp vì thị trường chưa ổn định, đó là chưa kể đến công tác quản lý chất lượng kém, lòng tin của người tiêu dùng chưa được bảo đảm.

Người dân trồng rau ở xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cần được hỗ trợ  để sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ.
Người dân trồng rau ở xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cần được hỗ trợ để sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ.

Ông Huỳnh Quốc Thích cho rằng, phát triển NNHC cần hài hòa giữa các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên cở sở một nền nông nghiệp bền vững, trong đó sản xuất NNHC không phải là “sự trở lại với tự nhiên” hoặc là kiểu “nông nghiệp chay” mà là nền nông nghiệp dựa trên cơ sở khoa học kỹ thuật cao, với các biện pháp kỹ thuật đầu vào tiên tiến, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt trong một hệ thống bền vững, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Sản xuất NNHC ở Dak Lak chỉ mới bắt đầu nên chưa thể tiến hành một cách ồ ạt, mà phải có sự lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm và vùng sản phẩm thích hợp cho các thị trường có nhu cầu. Bên cạnh đó, nông dân sản xuất NNHC cũng rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng diện tích canh tác, tiếp cận và mở rộng thị trường.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.