Phát triển sản xuất cây hồ tiêu: Những vấn đề còn trăn trở
Cuối năm 2013, diện tích trồng hồ tiêu của Dak Lak lên đến 11.082 ha (niên giám thống kê 2013) tăng 5.549 ha so với 2010, chiếm khoảng 18% tổng diện tích tiêu Việt Nam; sản lượng đạt hơn 19.400 tấn. Đầu năm 2014 diện tích tiêu kiến thiết cơ bản của Dak Lak lên đến 4.904 ha chiếm gần 45% tổng diện tích tiêu của địa bàn, điều đó cho thấy trong những năm gần đây diện tích tiêu phát triển rất nhanh bằng các hình thức (xen canh, tái canh, trồng mới…), vượt quá quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Dak Lak giữ ổn định 5.000 ha đến năm 2020 (Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT, ngày 27-6- 2014 về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030).
Việc phát triển ồ ạt cây tiêu hiện nay khó tránh khỏi những “rủi ro” về sâu bệnh và thị trường giá cả có thể xảy ra trong thời gian tới, do yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của Việt Nam chưa đủ sức để bình ổn giá cả thị trường. Vì thế, người trồng tiêu cần quan tâm nhiều hơn đến quy trình sản xuất hiệu quả nhưng thân thiện với môi trường và xã hội.
Vườn tiêu của một hộ gia đình ở thôn Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar. Ảnh: V.C |
Để sản xuất cây hồ tiêu đạt năng suất, chất lượng và bền vững người trồng tiêu phải biết phối hợp những biện pháp tổng hợp: biện pháp canh tác (chọn giống tiêu, chọn vùng đất, làm đất, chọn trụ, thời vụ trồng, mật độ trồng, kỹ thuật che bóng, quy trình bón phân, tưới, tiêu, chăm sóc…); biện pháp sinh học (dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh; sử dụng các vi sinh vật có lợi trên vườn; sử dụng côn trùng có ích để tiêu diệt sâu hại…); biện pháp hóa học (sử dụng nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng nồng độ) và một số biện pháp khác… Hiện nay nông dân thường trồng xen tiêu trong vườn cà phê và cây ăn quả, do vậy cần bố trí trồng xen hợp lý để các loại cây trồng trong vườn đáp ứng đủ điều kiện ánh sáng và dinh dưỡng, không nên trồng xen quá dày sẽ giảm năng suất và vườn cây không bền vững. Để nông dân nắm bắt được mối quan hệ cần thiết trong sản xuất hồ tiêu, cần lắm sự quan tâm của các “nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện bảo vệ “cân bằng sinh thái” cây tiêu, đồng nghĩa với việc phát triển bền vững cây hồ tiêu trong tương lai.
Thực hiện vấn đề này, trước hết Nhà nước nên tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu về cây tiêu, đào tạo chuyên môn, quản lý tốt hơn việc quy hoạch vùng sản xuất phù hợp; quản lý thị trường vật tư cho cây trồng, quan tâm hơn về hỗ trợ vay vốn đầu tư ban đầu cho nông dân phát triển sản xuất tiêu… Đối với lãnh đạo địa phương, cần sâu sát, quản lý kế hoạch trong quy hoạch sản xuất cây tiêu trên địa bàn hằng năm, thường xuyên kiểm tra và nắm bắt tình hình sản xuất hồ tiêu của nông dân, có khuyến cáo, đề xuất, phối hợp với các nhà khoa học và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất hồ tiêu cho nông dân như các biện pháp canh tác, quản lý dịch hại cũng như nhận diện được các loại giống tiêu tốt, chưa tốt trên thị trường. Nhà khoa học cần nghiên cứu tìm ra các chủng vi sinh vật “đối kháng”, tổng hợp để sản xuất những chế phẩm sinh học để phòng trừ tốt cho cây tiêu, nhất là phòng trừ các loại nấm gây bệnh vàng lá chết chậm và chết nhanh; nghiên cứu cho ra đời những giống tiêu có khả năng kháng sâu, bệnh tốt hơn. Các nhà doanh nghiệp tăng cường liên kết chặt chẽ hơn nữa đối với thị trường xuất khẩu tiêu, tạo sức mạnh góp phần quyết định việc bình ổn giá tiêu thế giới, tạo đầu ra bền vững cho tiêu, giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất. Nông dân là người sản xuất, chịu ảnh hưởng trực tiếp về kinh tế gia đình và xã hội, cần nâng cao trách nhiệm trong việc sản xuất tiêu, mạnh dạn đề xuất những khó khăn trong sản xuất cây tiêu với chính quyền địa phương để được sự chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp tác động hợp lý, phải thường xuyên tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất thực tế của mình, mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Hồ Thị Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc