Multimedia Đọc Báo in

TP.Buôn Ma Thuột: Đổi thay sau 3 năm xây dựng nông thôn mới

20:58, 19/08/2014

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo các xã trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột đã có nhiều khởi sắc rõ rệt. Dễ thấy nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện…

Khu vực nông thôn của TP.Buôn Ma Thuột gồm 8 xã với diện tích 27.658 ha, chiếm hơn 73% diện tích toàn thành phố với dân số 119.410 người. Tỷ trọng kinh tế chính của 8 xã là sản xuất nông nghiệp (chiếm trên 80% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố). Trước năm 2011, kinh tế các xã này gặp rất nhiều khó khăn, giá trị sản xuất mà ngành nông nghiệp mang lại không cao nếu so sánh với giá trị các ngành kinh tế khác, đời sống của nhân dân ở các xã chưa được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống văn hóa, tinh thần cũng còn nhiều hạn chế nhất định. Khởi điểm, có đến 6/8 xã (chiếm 75%) đạt dưới 4 tiêu chí; xã đạt cao nhất cũng chỉ 7/19 tiêu chí.    

Với mục tiêu xây dựng khu vực nông thôn của thành phố có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, ngay từ năm 2011, công tác triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột đã được chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ từ thành phố đến 8 xã và từng thôn, buôn. Hằng năm, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo Nông thôn mới thành phố thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá và đôn đốc tiến độ lập quy hoạch nông thôn mới, tuyên truyền, phát động thi đua và lập đề án xây dựng nông thôn mới được gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của 8 xã. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng. Các xã trên địa bàn đều tổ chức phát động thi đua xây dựng nông thôn mới, đăng ký xây dựng “xã văn hóa nông thôn mới”. Ủy ban MTTQVN thành phố và các đoàn thể triển khai các cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng gia đình nông thôn mới”, “Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Một hội thảo đầu bờ về lúa lai được tổ chức tại xã Ea Tu.
Một hội thảo đầu bờ về lúa lai được tổ chức tại xã Ea Tu.

Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các xã được quan tâm. Trong 3 năm, thành phố đã huy động hơn 335 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hoàn thành và đưa vào sử dụng 62 công trình; trong đó, đã xây dựng hơn 31 km đường thôn, xóm; 57,83 km đường ngõ xóm; 20,54 km đường nội đồng; 13.670 m kênh mương được kiên cố hóa; xây dựng 50 phòng học; 25 hội trường thôn, buôn… Đặc biệt, nhân dân đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của và nhiều tài sản với giá trị trên 36 tỷ đồng (trong đó hơn 28 tỷ đồng tiền mặt, 1.154 ngày công và hiến 2,77 ha đất, phá dỡ hơn 2.000m tường rào cùng nhiều vật kiến trúc và cây cối) để đầu tư xây dựng hơn 19 km trục đường bê tông thôn, xóm; 7,6 km đường điện trung thế, gần 30 km đường dây hạ tế, 6 trạm biến áp… phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống.

Việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được các cấp chính quyền thành phố quan tâm thực hiện; nhất là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong 3 năm, bên cạnh mở các lớp đào tạo, tập huấn về khoa học kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh cho vay vốn phát triển kinh tế qua các “kênh” đoàn thể, thành phố đã triển khai thực hiện được 77 mô hình chăn nuôi, 73 mô hình trồng trọt; triển khai 5 cánh đồng lúa nước ICM. Hầu hết các mô hình đều mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, thành phố còn phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lúa nước quy mô 10 ha tại xã Ea Kao; cánh đồng mẫu cà phê diện tích 38,6 ha tại xã Hòa Thuận; triển khai Chương trình phát triển sản xuất cà phê bền vững theo hình thức công-tư phối hợp tại các xã Hòa Thuận, Hòa Thắng, Ea Kao…  Các xã đã tích cực đẩy mạnh đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn, tạo việc làm cho nông dân, nhất là các hộ nông dân người dân tộc thiểu số có thêm việc làm ngoài thời vụ.

Người dân xã Ea Tu  (TP. Buôn Ma Thuột) chung tay xây dựng đường  giao thông nông thôn.  Ảnh: Hoàng Gia
Người dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) chung tay xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hoàng Gia

Đến nay, sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế-xã hội, văn hóa ở các xã thuộc TP.Buôn Ma Thuột đã có chuyển biến tích cực. Về giáo dục, cả 8 xã đều đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, có 23/42 trường học được công nhận chuẩn quốc gia (chiếm 54,76%); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, bổ túc trung học và học nghề đạt hơn 84,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo bình quân đạt hơn 22%, trong đó có 6 xã có tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập người dân khu vực nông thôn ở 8 xã đạt gần 23 triệu đồng/người, trong đó có 2 xã là Hòa Thuận và Hòa Thắng đạt tiêu chí thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 5,46% năm 2011 (trong đó có 1 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 7%) thì đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%, không còn xã nào có tỷ lệ hộ nghèo trên 7%. Số lao động có việc làm thường xuyên là 62.127 người, chiếm hơn 92% tổng số lao động trong độ tuổi lao động tại 8 xã; tuy nhiên chất lượng lao động còn thấp và chưa đồng đều, lao động làm việc trong lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp chiếm 70% tổng số lao động trong độ tuổi. Phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa được duy trì khá tốt, tính đến hết năm 2013 có 4/8 xã (Hòa Thuận, Hòa Thắng, Ea Tu, Hòa Xuân) đạt danh hiệu văn hóa; 68/97 thôn, buôn được công nhận văn hóa.

Tính đến hết năm 2013, trong số 8 xã trên địa bàn, có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (xã Hòa Thuận), 1 xã đạt 13 tiêu chí (xã Ea Kao), 1 xã đạt 12 tiêu chí (Ea Tu), 2 xã đạt 11 tiêu chí (Hòa Thắng và Hòa Xuân), 1 xã đạt 8 tiêu chí (Cư Êbur) và 2 xã đạt 7 tiêu chí (Hòa Phú và Hòa Khánh). Tính trung bình mỗi xã đạt 10,5 tiêu chí (cách đây 3 năm mỗi xã chỉ đạt trung bình 4,13 tiêu chí). Xây dựng nông thôn mới ở thôn, buôn cũng chuyển biến rõ rệt: nếu năm 2010 chỉ có 17 thôn, buôn đạt trên 10 tiêu chí thì đến nay đã có 34 thôn, buôn đạt trên 10 tiêu chí (chiếm 35%), chỉ có 17 thôn, buôn đạt từ 4-6 tiêu chí (chiếm 17,5%).

TP.Buôn Ma Thuột hiện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới bằng nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung tăng cường việc tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết”; rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn mới, công bố quy hoạch đã được phê duyệt; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng của các xã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động… Phấn đấu đến hết năm 2014, xã Hòa Thuận đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã Ea Kao và Hòa Thắng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đồng thời, hằng năm mỗi xã thực hiện đạt 2-4 tiêu chí, mỗi thôn, buôn phấn đấu đạt 2-3 tiêu chí nông thôn mới và quyết tâm giữ vững các tiêu chí đã đạt được.

 Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.