Multimedia Đọc Báo in

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpôk: Tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn nước

11:21, 18/08/2014

Trong những năm qua, nhiều công trình thủy điện được xây dựng trên sông Sêrêpôk (SRP). Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích lớn về kinh tế, thủy điện cũng là một phần nguyên nhân gây ra lũ lụt, hạn hán cho vùng hạ du. Vì thế, Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông nhằm mục đích khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của địa phương.      

Sêrêpôk 3 là một trong những thủy điện bậc thang trên sông Sêrêpôk.
Sêrêpôk 3 là một trong những thủy điện bậc thang trên sông Sêrêpôk.

Theo đó đối với mùa lũ, nguyên tắc vận hành các hồ chứa thủy điện phải bảo đảm không gây lũ đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực hạ du. Bên cạnh đó, các chủ hồ sẽ phải chủ động tích nước trong thời kỳ cuối mùa lũ nhằm nâng cao khả năng tích đầy hồ, bảo đảm nguồn nước cho mùa cạn. Cụ thể, đối với việc vận hành hồ Buôn Tua Srah được quy định như sau: Việc vận hành nước hồ để đón lũ theo nguyên tắc khi Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia dự báo có bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc mưa lũ lớn có khả năng đe dọa đến các khu vực trên lưu vực sông thì Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương quyết định vận hành theo tình hình mực nước cụ thể. Việc vận hành giảm lũ cho hạ du là: khi mực nước tại trạm thủy văn Buôn Đôn và Trạm thủy văn Đức Xuyên vượt qua ngưỡng 174m và 430,5m thì vận hành với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nhằm giảm lũ cho hạ du, nhưng phải bảo đảm mực nước hồ không vượt cao trình mực nước dâng bình thường. Quy trình vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Buôn Kuốp và SRP 3 cũng được quy định chi tiết trong từng trường hợp cụ thể. Riêng đối với hồ SRP 4 và SRP 4A thì trong quá trình các hồ Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và SRP 3 vận hành  giảm lũ cho hạ du, SRP 4 phải vận hành ổn định mực nước hồ không được vượt mực nước dâng bình thường, đồng thời bảo đảm phát điện liên tục với công suất tối đa có thể.

Vào mùa cạn, công tác vận hành hồ phải theo nguyên tắc cơ bản là vận hành hồ và phân bổ nguồn nước cho hạ du theo các thời kỳ, đồng thời bảo đảm mực nước hồ không được nhỏ hơn mức quy định. Các hồ chứa hoặc kênh dẫn chuyển đổi dòng chảy làm gián đoạn dòng chảy của các đoạn sông thì cần bảo đảm dòng chảy tối thiểu về vùng hạ du cũng như phía Campuchia. Bên cạnh đó, từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm, các hồ chứa phải bảo đảm mực nước xả về hạ lưu như sau: Buôn Tua Srah (không được nhỏ hơn 100m³/s), Buôn Kuốp (100m³/s), SRP 3 (130m³/s), SRP 4 (64m³/s) và SRP 4A (27m³/s). Nếu trong trường hợp chủ hồ không bảo đảm việc duy trì mực nước hồ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian xả để bảo đảm duy trì mực nước hồ cho các thời đoạn tiếp theo.

Bờ sông Krông Nô đoạn qua địa bàn huyện Lak bị sạt lở một phần do nước xả từ thủy điện Buôn Tua Srah.
Bờ sông Krông Nô đoạn qua địa bàn huyện Lak bị sạt lở một phần do nước xả từ thủy điện Buôn Tua Srah.

Bên cạnh đó, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông SRP cũng quy định rất rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị như Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND các tỉnh Dak Lak, Dak Nông và các bộ, ngành liên quan, trong đó các địa phương có thủy điện trên lưu vực sông sẽ quyết định việc vận hành các hồ vào mùa lũ trong tình huống cần thiết. Vào mùa cạn, nếu trong trường hợp chủ hồ không bảo đảm việc duy trì mực nước hồ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian xả để bảo đảm duy trì mực nước hồ cho các thời đoạn tiếp theo. Đối với các hồ chuyển nước hoặc chuyển đổi dòng chảy làm gián đoạn dòng chảy của các đoạn sông tương đối lớn phải duy trì dòng chảy tối thiểu trong mùa cạn.

Trên sông SRP hiện có 4 nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động, được phân bố theo hệ thống bậc thang. Vào mùa khô, các nhà máy chủ yếu được cung cấp nước từ nhánh sông Krông Nô qua hồ Buôn Tua Srah vì lưu lượng nước từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm của sông Krông Ana rất thấp. Trong khi đó, hồ Buôn Tua Srah cũng là nguồn cung cấp nước cho cây trồng ở một số xã trên địa bàn huyện Lak và huyện Krông Nô (Dak Nông). Ông Trần Văn Nhượng, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: do gồng mình gánh nhiều nhà máy thủy điện, nên sông SRP đang mất dần khả năng điều hòa sinh thái, thiếu nước, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và sản xuất của người dân. Bởi vậy cần có sự chia sẻ lợi ích giữa chủ các công trình thủy điện và người dân để cùng hưởng lợi từ nguồn nước của dòng sông này.

Có thể nói, với ưu tiên hàng đầu là giảm mức độ lũ trong mùa mưa lũ và điều tiết nước cho hạ du trong mùa cạn, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông SRP đã đưa ra phương thức vận hành, cơ chế phối hợp giữa các hồ với nhau nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước trên lưu vực sông SRP.

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpôk, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số1201/QĐ-TTg, ngày 23-7-2014, có hiệu lực từ ngày 15-8-2014 đã quy định quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông gồm: các hồ Buôn Tua Srah, Buôn Kuôp, SRP 3, SRP 4 và SRP 4A. Quyết định có điều khoản, các quy trình vận hành hồ chứa đã ban hành trước ngày quyết định này có hiệu lực phải được sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần thủy điện Buôn Đôn có trách nhiệm hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình xả đầu kênh để bảo đảm xả nước về hạ du sông SRP đoạn từ sau đập SRP 4 đến Trạm thủy văn Buôn Đôn theo quy định của Quy trình này.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.