Chợ Trung tâm xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột): Khi nào đi vào hoạt động quy củ?
Chợ trung tâm xã Ea Kao được xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, được đưa vào hoạt động từ 12-2010, nhưng từ đó đến nay cả khu chợ khang trang, rộng rãi gần như bỏ trống!
Các tiểu thương kinh doanh tại khu chợ trung tâm xã Ea Kao cho biết: hiện xã có 2 khu chợ, khu chợ tạm tại khu vực thôn 1 và khu chợ trung tâm nằm cạnh UBND xã. Sau khi xây dựng chợ trung tâm, chính quyền xã tiến hành bán kiôt, phân lô cho tiểu thương, và khẳng định đây sẽ là chợ chính; xã sẽ dẹp bỏ chợ tạm, nên chỉ trong thời gian ngắn, số kiôt trong chợ đã được các tiểu thương đấu thầu hết với giá khá cao. Tuy nhiên, khi mới hoạt động được 2 tháng thì hầu hết tiểu thương trong chợ phải nghỉ buôn bán, vì chính quyền xã không dẹp bỏ chợ tạm như đã hứa. Theo quan sát, khu chợ trung tâm xã Ea Kao rộng rãi khang trang, có đầy đủ hệ thống điện nước, nhà vệ sinh công cộng, nhà để xe, nhà ban quản lý chợ… nhưng tất cả hầu như bỏ hoang, chỉ có khoảng 15 sạp hàng đang kinh doanh nhưng không hiệu quả. Còn khu chợ tạm tại thôn 1, tuy nhà gỗ lụp xụp, nhưng người mua bán đông đúc, tấp nập, thậm chí người mua bán còn lấn chiếm ra cả hành lang đường bộ, gây cản trở giao thông. Được biết người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã, yêu cầu hợp nhất 2 chợ thành một (đưa chợ tạm thôn 1 về chợ trung tâm) như lời hứa ban đầu, nhưng chỉ nhận được những lời hứa suông.
Chợ Trung tâm thưa thớt vắng người, rất ít hộ tham gia bán hàng trong chợ lồng. |
Cô Bùi Thị Hải, buôn bán tạp hóa tại chợ trung tâm cho biết: Sau khi chợ xây xong, cô đã đấu thầu 2 kiôt đầu tiên, nằm ngay sát đường vào của chợ lồng với giá 22.000.000đồng. Thế nhưng, sau khi bán hết số kiôt trong chợ lồng, đột nhiên chính quyền xã lại dựng thêm một mái hiên sắt trước mặt các kiôt mà cô Hải đã mua để bán với giá từ 6.000.000-8.000.000đồng/lô. Việc làm này đã khiến các tiểu thương ở đây vô cùng bức xúc bởi những tưởng bỏ số tiền lớn ra để có mặt bằng đẹp phía trước buôn bán, bỗng nhiên nay lại phải nằm khuất phía sau. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, ông Vũ Văn Khôi đã tham gia đấu thầu 4 kiốt (9 triệu/kiôt) trong chợ lồng và 6 lô (8 triệu/lô) ngoài khu nhà sắt để bán thịt heo với tổng số tiền gần 100 triệu đồng, thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, kinh doanh chưa đầy 1 tháng, vì không có khách mua, nên ông Khôi đang đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã bỏ ra mua kiôt, khi gần 4 năm nay ông chỉ buôn bán cầm chừng chứ không hề có lời. Không những buôn bán ế ẩm, chị Đinh Thị Ái Liên (bán trái cây), đã nhiều lần bị mất cắp hàng hóa. Chị cho biết: sau khi phân lô xong, các tiểu thương yêu cầu chính quyền lắp đặt hệ thống cửa để bảo vệ tài sản nhưng không được đáp ứng, chợ không có ban quản lý, không có bảo vệ, nên nạn trộm cắp cũng theo đó hành hoành. Một tiểu thương buôn bán ở chợ tạm cho hay, sau khi có thông tin hợp nhất 2 chợ, mọi người đều đổ xô mua kiôt trong chợ trung tâm, thậm chí là đấu giá cao hơn nhiều để có vị trí đẹp, thuận tiện kinh doanh, thế nhưng do chính quyền địa phương không quyết liệt trong việc giải tỏa, dồn chợ, trong khi đó khu chợ tạm đã có từ nhiều năm nay và là tâm điểm họp chợ của hầu hết người dân trong xã, thế nên khi chợ trung tâm hoạt động không hiệu quả, thì tất các các tiểu thương cũ của chợ tạm có kiôt trong chợ trung tâm đều phải quay lại đây buôn bán. Hiện nay chợ tạm họp 2 buổi sáng chiều, từ sáng sớm con đường qua chợ đã đông đúc người mua kẻ bán, nhiều khi bà con họp chợ lấn cả ra lòng đường, gây mất trật tự an toàn giao thông nhưng không thấy ai nhắc nhở.
Tình trạng trên diễn ra đã lâu, các tiểu thương đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã, nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến gì. Thiết nghĩ, khi đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng khu chợ trung tâm của địa phương và đã bán kiôt cho người dân, thì chính quyền xã phải có trách nhiệm thực hiện lời hứa duy trì hoạt động kinh doanh của chợ, tìm biện pháp lập lại trật tự buôn bán của 2 khu chợ, tạo điều kiện thuận lợi để các tiểu thương ổn định, yên tâm kinh doanh.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc