Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

19:52, 20/09/2014
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác chuyên môn, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước (CQNN), doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc ứng dụng CNTT vẫn tồn tại nhiều bất cập, khi vấn đề an ninh mạng vẫn còn nhiều bỏ ngỏ.

Nhiều tiện ích

Với một địa bàn hoạt động rộng, trong những năm qua Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư Xây dựng Dak Lak đã triển khai nhiều ứng dụng CNTT nhằm cải cách những thủ tục không cần thiết để phục vụ công tác chuyên môn. Ông Trần Tiến Thọ, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty cho biết: Hiện Công ty đang triển khai xây dựng hệ thống đăng ký trên mạng, người dân chỉ cần truy cập vào mạng Internet là có thể đăng ký cấp nước theo bộ hồ sơ đã được cấp sẵn. Chỉ sau 3 đến 4 ngày là có thể tiến hành thi công lắp đặt hệ thống nước cho người dân. Ngoài ra, Công ty đang phát triển một phần mềm nội bộ, có chức năng thông báo tình trạng của hệ thống ống dẫn nước trong toàn tỉnh. Nếu nơi nào đó bị sự cố thì hệ thống sẽ báo tình trạng ở trên mạng, từ đó Công ty sẽ nhanh chóng cử nhân viên xử lý…

Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan Nhà nước.
Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan Nhà nước.

Còn tại Cục Thuế tỉnh, việc ứng dụng CNTT đã được cụ thể hóa bằng chương trình kê khai thuế qua mạng. Chương trình này đã được Cục Thuế và Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột triển khai từ cuối năm 2011, đến nay đã có 2.100 doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện việc kê khai thuế qua mạng. Ông Nguyễn Công Tùng, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: “Từ khi triển khai việc kê khai thuế qua mạng đến nay đã cho thấy nhiều lợi ích như giảm đáng kể về thời gian xử lý, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính và nâng cao hiệu quả công việc. Mặt khác, sự thông thoáng, minh bạch, tiện lợi trong giao dịch thuế cũng được thể hiện rõ ràng. Theo lộ trình, từ nay đến hết năm 2015, Cục Thuế phấn đấu sẽ triển khai hình thức kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đến tất cả các Chi cục Thuế trên toàn tỉnh”. Cục Hải quan tỉnh cũng đã ứng dụng CNTT triển khai hệ thống Thông quan tự động, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, từng bước thực hiện Hải quan Điện tử…

Bên cạnh các sở, ban, ngành, hiện 15/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống “Một cửa điện tử liên thông” phục vụ việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ theo mô hình một cửa đối với các lĩnh vực: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, quản lý và cấp giấy chứng nhận hồ sơ nhà đất… Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng đã được thay đổi cơ bản về giao diện, đáp ứng như cầu biên tập, đăng tải thông tin về công tác chỉ đạo điều hành, thông tin các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh…

Tăng cường quản lý an toàn, an ninh mạng

Những tiện ích, hiệu quả từ việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính (CCHC) là điều đã rõ. Nhưng song song với đó việc triển khai ứng dụng CNTT tại một số cơ quan đơn vị cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, nổi bật là công tác quản lý an toàn, an ninh thông tin. Trong thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý trên 14 trang mạng của CQNN bị hacker tấn công, tuy nhiên giải pháp kỹ thuật đã thực hiện chỉ là tạm thời, chưa triệt để. Hiện tại còn 10 trang mạng của các CQNN cũng đã được Bộ Công an cảnh báo vì xuất hiện nhiều lỗi bảo mật nghiêm trọng, chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, trên 60% máy tính sử dụng cho hoạt động chuyên môn của cán bộ công chức vẫn đang dùng hệ điều hành Windows XP, chương trình ứng dụng Office 2003 đang có nguy cơ cao về an toàn, an ninh thông tin.

Ảnh bên: Cán bộ Cục Thuế tỉnh nhận vào hồ sơ kê khai thuế qua mạng.  (Ảnh chụp ngày 18-9-2014)
Cán bộ Cục Thuế tỉnh nhận vào hồ sơ kê khai thuế qua mạng. (Ảnh chụp ngày 18-9-2014)

Theo ông Trần Trung Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, ngoài những yếu kém về việc bảo mật thông tin trên mạng thì việc minh bạch thông tin trong hoạt động của CQNN, các quy định về việc cung cấp thông tin trên mạng đối với cổng/trang thông tin điện tử của CQNN theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13-6-2011 của Chính phủ còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm quy định. Cụ thể: các mục tin chưa bảo đảm, thiếu thông tin, nội dung thông tin chưa đáp ứng quy định tối thiểu, đặc biệt là thông tin về việc công khai quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, ngành, dự án đầu tư… nên chưa thu hút được sự quan tâm, truy cập từ người dân và doanh nghiệp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, văn bản chỉ đạo điều hành chưa đăng tải đầy đủ và kịp thời; chưa tận dụng tính năng, hiệu quả của cổng/trang thông tin điện tử để tăng cường trao đổi, sử dụng văn bản điện tử, giảm giấy tờ, tiết kiệm chi phí công và thúc đẩy CCHC.

Một yêu cầu khác của việc ứng dụng CNTT trong CCHC là sử dụng thư điện tử trong hệ thống. Hiện tại, hệ thống thư điện tử của tỉnh đã phát triển đến 8821 tài khoản sử dụng. Tuy nhiên việc triển khai này còn hạn chế, nhiều cán bộ công nhân viên chức vẫn sử dụng hệ thống email tự do như Yahoo, Gmail để trao đổi công việc. Theo ông Hiển, để khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Công ty BKAV tổ chức khóa đào tạo về nhận thức an ninh mạng cho lãnh đạo các sở ban ngành các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ chuyên trách (phụ trách) CNTT tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Cùng với đó Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT của tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động CQNN của tỉnh đến năm 2020 nhằm triển khai công tác an toàn, an ninh thông tin phục vụ cho các hoạt động CQNN của tỉnh. Từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu sẽ có cơ sở hạ tầng CNTT dùng chung toàn tỉnh; có Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ lưu trữ dữ liệu tập trung cho hệ thống cổng/trang thông tin điện tử; thống nhất quy trình cung cấp dịch vụ công, một cửa liên thông toàn tỉnh có mức độ an toàn và bảo mật cao…

Hệ thống Cổng Thông tin điện tử, Thư điện tử công vụ của tỉnh được đầu tư, sử dụng từ năm 2009 với 7 máy chủ đang vận hành tại Trung tâm CNTT và Truyền thông. Đối với các cơ quan Đảng đã có hệ thống mạng chuyên dụng kết nối Tỉnh ủy đến với 15 huyện ủy, thị ủy, thành ủy và 105 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện đã triển khai lắp đặt thiết bị đầu cầu tại Văn phòng UBND tỉnh kết nối với 14 điểm họp tại các huyện, thị xã. Toàn tỉnh hiện có 110 cán bộ cấp sở, ban, ngành và 30 cán bộ cấp huyện chuyên trách, phụ trách CNTT.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.