Multimedia Đọc Báo in

Lại "khát" nhân công mùa thu hoạch cà phê

20:02, 29/11/2014

Những năm gần đây, cứ vào vụ thu hoạch cà phê là Dak Lak lại thiếu nhân công, khiến các chủ vườn phải chạy đôn, chạy đáo tìm thuê người về hái cà phê cho mình…

Khó tìm thuê nhân công

Những ngày này, đến các vùng trọng điểm cà phê như Krông Pak, Krông Năng, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột…, ở đâu cũng thấy chủ vườn tìm thuê nhân công thu hoạch cà phê. Theo tìm hiểu, năm nay giá nhân công tăng lên 150.000 đồng/ngày bao cơm trưa (năm ngoái 140.000 đồng bao cơm trưa). Bà Hoàng Thị Thúy Liên, thôn Lộc Tân, xã Phú Lộc huyện Krông Năng cho biết, gia đình có 4 ha cà phê, năng suất bình quân 3,5 tấn nhân/ha, mùa thu hoạch cần khoảng 10 nhân công làm việc thường xuyên trong vòng một tháng nên bà rất vất vả trong việc tìm người. Nhiều khi thuê được người rồi bà vẫn chưa yêm tâm, vì không phải ai cũng nhiệt tình với công việc, có người chỉ làm việc theo kiểu đối phó, khi có chủ thì làm việc, vắng chủ thì ngồi chơi, hái ẩu, làm xước, gãy cành, sót quả, sót cây.

Theo tính toán của bà con nông dân, một ha cà phê cần khoảng 60 công thu hoạch, với giá 150.000 đồng/công như hiện nay thì chi phí thuê nhân công hết 9 triệu đồng. Nếu cà phê đạt năng suất 3 tấn/ha, bán với giá 40.000 đồng/kg thì sau khi trừ toàn bộ chi phí, người nông dân chỉ thu lợi được khoảng 50 triệu đồng/năm. Nhưng hiện nay, phần lớn cà phê đã già cỗi, cần đầu tư chăm sóc nhiều mà năng suất lại thấp, từ 2-2,5 tấn nhân/ha, nên sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chỉ còn vài chục triệu đồng/năm. Do vậy, thay vì thuê người hái từ đầu vụ, nhiều gia đình đã tranh thủ thu bói trước để tiết kiệm chi phí. Ông Nguyễn Văn Hùng cùng trú thôn Lộc Tân cho hay, năm nay cà phê mất mùa lại thêm già cỗi, hạt nhỏ, chỉ đạt khoảng 2 tấn nhân/ha, sợ không đủ chi phí đầu tư chăm sóc nên hai vợ chồng ông tranh thủ hái sớm, đến cuối mùa, khi vườn cây chín đồng loạt thì mới thuê nhân công hái sau. Tương tự, gia đình ông Phan Văn Lưu (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cũng có 7 sào cà phê, hằng năm, ông đều nhờ người quen ở Phú Yên giới thiệu người nhà của họ lên hái cà phê cho ông. Ông Lưu bộc bạch, vào mùa thu hoạch rất khó tìm thuê nhân công, nên mỗi năm ông lại thuê một nhóm khác nhau và không phải ai cũng nhiệt tình với công việc, nhóm thì uống rượu, phá phách, nhóm thì làm việc không hiệu quả… cho đến đầu năm 2004 ông mới tìm được một nhóm thu hoạch cà phê ưng ý cho đến nay. 

Mỗi héc-ta cà phê cần khoảng 60 nhân công thu hái nên chuyện
Mỗi héc-ta cà phê cần khoảng 60 nhân công thu hái nên chuyện "khát" nhân công là điều tất yếu. Trong ảnh: Nông dân huyện Krông Pak thu hoạch cà phê.

Bí quyết giữ mối

Toàn tỉnh hiện có 203.000 ha cà phê, trong đó cà phê kinh doanh là 191.000 ha, do vậy, mùa thu hoạch nhu cầu nhân công rất lớn, trong khi đó, lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương lại hạn hẹp nên đa số bà con phải thuê người từ nơi khác lên. Do cà phê là loại cây trồng lâu năm, nếu không biết kỹ thuật thu hái thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mùa sau, nên khi tìm được nhóm người ưng ý, chủ vườn lại cố gắng giữ mối để thuê hái cho mùa sau. Hơn 30 năm trồng cà phê, năm nào gia đình ông Lưu cũng phải thuê nhân công thu hái, nhưng nơm nớp lo sợ, bởi mỗi năm ông lại thuê một nhóm khác nhau (do thiếu nhân công). Nhưng 10 năm trở lại đây, nỗi lo thuê nhân công của ông đã giảm đi rất nhiều khi chỉ cần một cuộc điện thoại là có người từ Phú Yên lên thu hoạch giúp ông. Ông Lưu cho biết, 6 nhân công thu hoạch cho gia đình là dân biển, họ rất nhiệt tình, làm việc có trách nhiệm. Nhiều hôm ông không vào rẫy được, họ vẫn làm việc chăm chỉ, có hôm trời tối mà dang dở công việc họ cũng gắng làm xong mới nghỉ. Đổi lại, thỉnh thoảng gia đình lại bồi dưỡng cho họ con gà, chai rượu hoặc cho thêm tiền xe, tiền ăn, người nào phụ giúp gia đình phơi cà phê, lại cho thêm vài trăm ngàn… Do đó, cứ đến mùa thu hoạch họ lại ưu tiên hái cho gia đình ông trước, xong mới đến những người khác. Còn với ông Trần Ngọc Cảnh (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cũng thuê người dưới quê lên thu hoạch. Ông canh tác 2 ha cà phê tận Dak Song (Dak Nông) nên mùa thu hoạch phải ăn, ngủ trên rẫy gần hai tháng trời cùng người làm, thu hoạch xong cà phê mới về nhà.

Nông dân phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột tất bật với công việc  phơi phóng cà phê sau thu hoạch.
Nông dân phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột tất bật với công việc phơi phóng cà phê sau thu hoạch.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc sở NN và PTNT cho biết, cà phê là cây trồng chính của người dân Dak Lak. Hằng năm vào mùa thu hái cà phê, nhu cầu nhân công rất lớn, để bảo đảm việc thu hoạch đúng tiến độ, đạt tỷ lệ chín 90-95% thì ngay từ đầu mùa, sở đã triển khai các văn bản hướng dẫn thu hoạch, khuyến khích bà con thành lập các tổ dân phòng, nhóm tự quản bảo vệ tài sản cho mình, khi thuê nhân công thì thực hiện các thủ tục pháp lý đầy đủ…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.