Liên kết trong sản xuất cà phê: Vẫn chưa mạnh
Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu kinh tế của Dak Lak, sự phát triển bền vững của ngành hàng cà phê sẽ gắn với sự phát triển ổn định về kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, liên kết trong sản xuất cà phê là giải pháp tối ưu để từng bước gia tăng giá trị cho cà phê cũng như đem lại sự bền vững cho sản phẩm này.
Còn mang tính tự phát
Theo Sở NN-PTNT, Dak Lak hiện có trên 180.500 hộ trồng cà phê, trong đó số hộ có quy mô dưới 0,5 ha chiếm 35%, từ 0,5 đến dưới 1 ha chiếm 34% và từ 1-2 ha chiếm gần 24%, từ 2 ha trở lên chỉ dưới 7%. Chính vì vậy, việc nông dân liên kết lại với nhau xây dựng thành cánh đồng mẫu lớn có ý nghĩa quan trọng để phát triển cà phê bền vững. Trong những năm gần đây, cùng với các mô hình HTX, các liên minh sản xuất cũng đã được hình thành thông qua sự liên kết tự nguyện giữa một doanh nghiệp (DN) với một tổ chức của nông dân (thường là các tổ hợp tác) nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài và ổn định, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tăng giá thu mua sản phẩm cho nông dân và từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê. Liên minh sản xuất theo hướng chuỗi giá trị tạo sự liên kết bền vững giữa nông dân với DN trong sản xuất, kinh doanh cũng như các dịch vụ liên quan đến chế biến, xuất khẩu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại kinh tế cao theo hướng bền vững. Một số liên minh có hiệu quả như: Liên minh sản xuất cà phê bền vững Cư Êbur – TP. Buôn Ma Thuột; Liên minh sản xuất cà phê bền vững Dak Man – Hòa Đông, Ea Tu; Liên minh sản xuất cà phê bền vững Ea Tân – Krông Năng; Liên minh sản xuất cà phê bền vững Quảng Hiệp – Cư M’gar, với hơn 1.087 hộ tham gia.
Việc liên kết giữa DN với các nông hộ không những tạo được nguồn hàng cà phê nhân chất lượng cao, ổn định cho nhu cầu xuất khẩu, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cho nông dân, nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tiến bộ, từng bước nâng tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý và sản xuất cà phê. Chính nhờ vậy, niên vụ 2013-2014, diện tích cà phê có chứng nhận đạt 30% và sản lượng chiếm trên 58%, đồng thời đánh dấu sự hồi phục của xuất khẩu cà phê sau nhiều năm liên tục sụt giảm, với giá trị kim ngạch đạt gần 480 triệu USD, tăng 3,5% so với niên vụ trước. Theo đánh giá của ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất cà phê hiện nay là cần thắt chặt mối liên kết 4 nhà để qua đó nông dân có cơ hội được hỗ trợ phần nào những gì họ còn thiếu. Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, nhưng sự liên kết “4 nhà” thời gian qua, nhất là sự kết nối giữa nông dân và DN thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê vẫn còn mang tính tự phát, vai trò của DN và các đơn vị khoa học còn hạn chế, nên thiếu tính ổn định và bền vững lâu dài.
Nhờ liên kết sản xuất nông dân huyện Krông Pak đã chú trọng đến thu hoạch cà phê chín. |
Cần vai trò “nhạc trưởng”
Mặc dù, đã hình thành được khá nhiều liên minh sản xuất, hợp tác xã, nhưng thực tế, hình thức tổ chức sản xuất cà phê ở Dak Lak chủ yếu vẫn là cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, đến nay chỉ có khoảng 10% diện tích cà phê do các công ty và DN quản lý là tương đối tập trung thành vùng chuyên canh, khoảng gần 90% diện tích cà phê còn lại trong tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Theo đó, tình trạng thu hoạch quả xanh còn diễn ra phổ biến, quy trình phơi sấy không bảo đảm, nông dân thường phơi quả khô hoặc xay dập phơi khô trên sân là chủ yếu, phương pháp chế biến ướt ít được áp dụng nên chất lượng cà phê bị ảnh hưởng, nhất là những năm có mưa nhiều. Chính vì vậy, đẩy mạnh hoạt động liên kết “4 nhà” là điều rất cần thiết để hóa giải những khó khăn trên. Hiện nay, Chính phủ và UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tuy nhiên hạn chế lớn nhất trong thực hiện các liên kết là chưa xác định rõ ai là hạt nhân của liên kết “4 nhà”; vai trò của Nhà nước, nhà khoa học còn chưa đủ tầm; Nhà nước chưa tạo ra được một hành lang pháp lý, chế tài phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà DN và nhà nông; nhà DN và nhà nông vẫn còn nghi ngờ nhau trong mua bán sản phẩm… Theo ông Huỳnh Quốc Thích, để thắt chặt mối liên kết “4 nhà”, thì Nhà nước phải đảm trách vai trò “ nhạc trưởng”, chủ động đưa ra các chính sách, giải pháp để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ các bên thực hiện liên kết và phải tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, để bảo đảm quyền lợi các bên tham gia.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc