Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu khả quan từ trang trại chăn nuôi bò lai

11:24, 11/11/2014

Từ chỗ sản xuất độc canh cây cà phê, những năm gần đây, Công ty Cà phê Ea Pôk (huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn trồng cỏ nuôi bò và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả mong đợi, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính của đơn vị. “Cơ ngơi” sau 10 năm đầu tư vào lĩnh vực này là trang trại quy mô với đàn bò thịt, bò sữa lên đến trên 500 con…

Nhạy bén trong cách làm ăn

Những năm đầu thập niên 2000, khi mà giá cà phê chỉ còn 3.800 – 4.200 đồng/kg nhân và trong khi nhiều vườn cà phê già cỗi, sản lượng giảm sút, kinh doanh kém hiệu quả... thì bước sang năm 2004, Công ty Cà phê Ea Pôk đã xác định mở rộng ngành nghề trồng cỏ, nuôi bò là lựa chọn tối ưu để vực dậy kinh tế cho đơn vị. Bởi chăn nuôi bò, ngoài việc có thêm nguồn phân chuồng bón cho cây trồng còn tận dụng được quỹ đất cà phê già cỗi đã thanh lý (chờ tái canh cây cà phê mới) để trồng cỏ, vừa tạo được nguồn thức ăn cho bò, vừa hạn chế được tình trạng rửa trôi, xói mòn đất.

Trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Cà phê Ea Pôk.
Trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Cà phê Ea Pôk.

Với nguồn vốn ban đầu chỉ gần 2 tỷ đồng, Công ty đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 83 con bò lai Sind, Brahman và Drought master về nuôi. Theo ông Cao Văn Tứ, Chủ tịch Công ty thì giống bò này tuy giá thành cao, nhưng trọng lượng lớn, sức đề kháng tốt, năng suất, chất lượng thịt cao. Đến nay, trên diện tích hơn 30 ha của trang trại, thì có đến gần 24 ha được dành để trồng cỏ và bãi chăn thả để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Dự án nuôi bò bước đầu mang lại thành công khi bò sinh sản nhanh (từ 18-24 tháng tuổi là bò có thể sinh sản, khoảng cách giữa hai lứa đẻ là 15,5 tháng); khả năng tăng trọng cao, trung bình một ngày, có giống bò cho tăng trọng đến trên 1kg. Anh Nguyễn Bá Thanh, trưởng trại chăn nuôi cho hay, quy trình bò thịt ở trang trại được nuôi làm 2 giai đoạn, bê con sinh ra 6 tháng thì tách mẹ, cai sữa và bắt đầu thời kỳ vỗ béo, lúc này chế độ chăm sóc sẽ được tính toán khẩu phần ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng gồm thức ăn tinh và cỏ xanh, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì sau 12-18 tháng cho xuất chuồng với trọng lượng đạt trung bình trên 1,5 tạ/con.

Ngoài việc đầu tư nuôi bò thịt thì hiện trang trại còn có thêm 23 con bò sữa, trung bình mỗi ngày thu được 50 lít sữa tươi.

Hiệu quả kinh tế cao

Ghé thăm trang trại nuôi bò theo quy mô công nghiệp, với đồng cỏ xanh mướt, hệ thống chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, máng ăn hiện đại, ít ai biết rằng cách đây 10 năm, trên diện tích này là vườn cà phê già cỗi, kém năng suất. Hiện phần lớn quỹ đất được dành để trồng cỏ với các loại cỏ voi, ruri, cỏ sả, chỉ sau 45- 60 ngày thì cho thu hoạch, năng suất bình quân từ 18 - 45 tấn/lứa cắt/ ha; vòng đời của các loại cỏ trên là khoảng 1 năm cho thu hoạch 5-6 lứa cắt, khoảng cách giữa 2 lứa cắt là 60 ngày. Bình quân mỗi con bò tiêu thụ hết 13kg thức ăn/ ngày, như vậy, với diện tích đồng cỏ  hiện có, về cơ bản bảo đảm đủ thức ăn cho đàn bò quanh năm. Ngoài ra, những tháng mùa khô, trang trại còn chủ động tích trữ làm phong phú thêm nguồn thức ăn cho bò từ nguồn rơm rạ thu mua của người dân địa phương.

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại chăn nuôi, anh Nguyên Bá Thanh có thể đọc vanh vách “lý lịch” của từng con bò, từ loại bò giống gì, nhập ở đâu về, tình trạng sức khỏe, khẩu phần ăn hằng ngày đến đặc điểm, tính nết của từng giống bò. Đặc biệt, chăm sóc thú y cho đàn bò cũng được Công ty hết sức chú trọng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh luôn thực hiện đầy đủ, công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng trại được làm thường xuyên, nghiêm ngặt, nên đã không để xảy ra dịch bệnh và được Cục Thú y công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh.

Chăn nuôi bò ở Công ty bước đầu phát triển khá ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tính đến nay đã xuất bán gần 1.300 con bò thịt, với giá bình quân 50.000 đồng/kg hơi, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng, trừ hết chi phí, lợi nhuận bình quân khoảng 0,739 tỷ đồng/năm, sau 10 năm đầu tư ở lĩnh vực này, đơn vị thu về lợi nhuận trên 4,4 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống của người lao động cũng được nâng lên thấy rõ, hiện trang trại đã tạo việc làm cho 24 lao động địa phương (14 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ) với mức thu nhập bình quân trên 2,8 triệu đồng/tháng. Riêng dự án bò sữa đang được nuôi thử nghiệm nên lượng sữa tươi thu được hằng ngày, công ty chủ yếu dành để phục vụ người lao động tại trang trại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.