Multimedia Đọc Báo in

Kiểm soát tải trọng phương tiện: Hiệu ứng tích cực từ phía doanh nghiệp

10:36, 07/11/2014

Đầu tháng 5-2014, Dak Lak đưa Trạm cân số 53 vào hoạt động, sau hơn nửa năm triển khai, đến nay, tình hình phương tiện chở quá tải trọng đã giảm rõ rệt, bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực từ hoạt động này.

Doanh nghiệp đồng tình

Khi Trạm cân lưu động mới đưa vào hoạt động, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) tỏ ra không đồng tình với chủ trương của Bộ GTVT nên thời gian đầu, tình trạng các nhà xe tìm cách né tránh trạm cân vẫn thường xảy ra. Thêm vào đó, nhiều DN còn băn khoăn về cách tính tổng trọng lượng cho phép tham gia giao thông, các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm hành chính của lực lượng chức năng... nên Bộ GTVT đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý cho tạm thời chưa xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP đến 31-12-2014 đối với hai trường hợp: ôtô vi phạm tải trọng trục mà không vi phạm tổng trọng lượng được phép tham gia giao thông của xe (trường hợp này, lực lượng chức năng chỉ yêu cầu xếp lại hàng hóa, phân bố tải trọng hợp lý theo các trục và cho xe tiếp tục lưu hành); người điều khiển xe ôtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô vận chuyển hàng hóa vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nếu có kết quả cân vượt quá dưới 10% thì sẽ không bị xử phạt. Với giải pháp tháo gỡ đó, đã tạo được sự đồng thuận cao từ phía DN cũng như đội ngũ tài xế.

Xe vào cân tại Trạm cân lưu động số 53, Quốc lộ 14,  đoạn qua phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).
Xe vào cân tại Trạm cân lưu động số 53, Quốc lộ 14, đoạn qua phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).

Là một trong những DN có hợp đồng vận chuyển với khoảng 30 xe tải, (loại từ 10 đến 30 tấn) chuyên chở bia từ Dak Lak đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Dak Nông, Nha Trang…, CTCP Bia Sài Gòn – miền Trung rất đồng tình quy định tạm thời chưa xử phạt hành chính nói trên. Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cho rằng, việc thực hiện chủ trương đó sẽ góp phần tránh ách tắc nguồn nguyên liệu của công ty chở từ TP. Hồ Chí Minh về Dak Lak cũng như sản phẩm từ Dak Lak phân phối đến bạn hàng ở các tỉnh, thành khác, nhờ đó tạo được uy tín với khách hàng. Còn lái xe Phạm Tiến Phi, chuyên chở hàng từ TP. Hồ Chí Minh đi Gia Lai, Dak Lak cho hay, việc né tránh trạm cân đối với xe tải tuyến đường dài là không thể, do đó công ty luôn quán triệt lái xe phải chở đúng tải để tránh phiền phức khi phải hạ tải hàng hóa cũng như phải chịu các mức phạt rất cao của lực lượng chức năng. Trong khi đó, ông Lê Bá Hồng, Giám đốc Công ty Vận tải Ngọc Sang (huyện Ea H’leo) cũng cho biết, là đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa đường dài, công ty luôn quán triệt với các lái xe phải chở hàng đúng tải trọng nhằm bảo đảm an toàn cho xe và cầu đường. Tuy nhiên, DN cũng mong rằng, cơ quan chức năng cần xử lý công bằng đối với các trường hợp chở quá tải trọng, tránh mạnh tay với đơn vị này, nhẹ tay với đơn vị khác…

Giảm mức độ vi phạm

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện trên phạm vi cả nước có 63/63 trạm kiểm soát tải trọng (KSTT) xe hoạt động, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 ngành công an và giao thông vận tải bằng nhiều hình thức khác nhau như dùng bộ cân xách tay, kiểm soát tải trọng xe tại các kho hàng, bến bãi; tuyên truyền vận động các chủ hàng, chủ xe, DN vận tải… nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định về tải trọng hiện hành.

Lực lượng  chức năng kiểm soát  tải trọng xe  trên Quốc lộ 26.
Lực lượng chức năng kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 26.

Tại Dak Lak, từ khi đưa trạm KSTT xe vào hoạt động, tình trạng xe chở quá tải đã giảm rõ rệt. Có mặt tại Trạm kiểm tra tải trọng 53 vào ngày 30-10, đoạn km7, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), phóng viên ghi nhận trong một ca trực, lực lượng chức năng đã kiểm tra 13 trường hợp, nhưng chỉ có 2 xe vi phạm. Theo thống kê, từ tháng 5 đến hết tháng 9, lực lượng liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 1.445 trường hợp, trong đó 229 xe vi phạm chở quá tải trọng quy định, chỉ chiếm khoảng 16% trên tổng số phương tiện được kiểm tra. Ông Lê Công Chức, Chánh Thanh tra Sở GTVT-Trạm trưởng Trạm cân lưu động số 53 đánh giá, số trường hợp vi phạm về tải trọng chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số phương tiện được kiểm tra, đặc biệt, mức độ vi phạm cũng thấp hơn nhiều, chỉ nằm trong khoảng từ 11-12%. So với trước đây, khi Trạm cân lưu động mới đưa vào hoạt động, mức chở quá tải của các nhà xe rất lớn, có xe vi phạm từ 100-130% tải trọng cho phép. Tuy nhiên, tình trạng né tránh trạm cân của một số DN vẫn còn xảy ra, trong khi lực lượng chức năng mỏng về quân số, dẫn đến việc xử lý các xe đi đường vòng là hết sức khó khăn.

Có thể khẳng định, việc triển khai KSTT phương tiện đã và đang mang lại hiệu ứng tích cực, qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước, các DN vận tải, chủ hàng, lái xe nhận thức được đây là nhiệm vụ chính trị, chủ trương đúng đắn, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông tại các địa phương.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.