Multimedia Đọc Báo in

Chương trình 40 của Tỉnh ủy: Gỡ khó cho các công ty lâm nghiệp

10:39, 08/12/2014

Ngày 8-8-2014, Tỉnh ủy ban hành Chương trình 40 nhằm triển khai Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Chương trình được kỳ vọng giúp các công ty lâm nghiệp tìm hướng đi thích hợp tùy vào tình hình thực tế của từng đơn vị.

Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý

Từ đơn vị sự nghiệp là các lâm trường quốc doanh, sau khi chuyển đổi sang công ty lâm nghiệp, và hiện nay là công ty TNHH MTV lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hạch toán độc lập, nhưng trên thực tế, 15 DN hiện nay chỉ là thay đổi tên gọi, còn  hoạt  động không có gì mới, một số cơ chế chính sách quản lý bảo vệ rừng chưa sát với thực tế, nhất là về tài chính, dẫn đến hoạt động của các công ty lâm nghiệp vẫn gần như “dẫm chân tại chỗ”. Việc chuyển đổi chưa tạo động lực kích thích phát triển, doanh nghiệp chưa được tự chủ trong hoạt động, quy mô, hiệu quả sản xuất hạn chế; vì vậy, rừng do các đơn vị này quản lý vì vậy vẫn tiếp tục bị phá, đất đai bị lấn chiếm, xâm canh ngày càng nhiều, tình trạng tranh chấp diễn ra ngày một phức tạp, kéo dài. Mặt khác, dù được thành lập với mục tiêu chủ yếu là quản lý bảo vệ và kinh doanh rừng sản xuất, nhưng các công ty lâm nghiệp không được tự chủ khai thác gỗ theo phương án kinh doanh; diện tích rừng chưa được xác định giá trị để giao vốn cho doanh nghiệp, việc vay vốn ngân hàng thương mại để trồng rừng sản xuất gặp quá nhiều trở ngại (lãi suất cao, thời hạn vay ngắn trong khi chu kỳ sản xuất dài…). Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, vì vậy hầu hết các DN đều lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn vì có đất, có lao động nhưng không phát triển được sản xuất, hoặc sử dụng đất đai kém hiệu quả và không đúng quy định. Qua việc rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2013 cho thấy, tổng diện tích rừng bị mất gần 28.000 ha, cụ thể: trước năm 2008 là 15.642 ha, từ năm 2008 đến năm 2013 là trên 12.340 ha, trong đó diện tích rừng thuộc quản lý của các công ty lâm nghiệp chiếm khoảng 70%. Để “xốc” lại hoạt động của các công ty lâm nghiệp vốn gần như đang “rơi tự do”, làm ăn thua lỗ, bết bát  như hiện nay, cần sự đổi mới toàn diện về cơ chế quản lý, sử dụng đất cũng như bảo vệ, phát triển rừng của các đơn vị này. Ngày 8-8-2014, Tỉnh ủy có Chương trình số 40 về việc triển khai Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp chỉ rõ, đổi mới nội dung, hình thức quản lý đất rừng theo hướng: Nhà nước giao đất không thu tiền đối với đất rừng phòng hộ, đất có rừng tự nhiên là rừng sản xuất, đất để thực hiện nhiệm vụ công ích; Nhà nước cho thuê đất đối với diện tích nông, lâm nghiệp giao cho các công ty lâm nghiệp sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh. 

 Việc quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các công ty lâm nghiệp (Trong ảnh: Một cánh rừng tự nhiên tại huyện Krông Bông).
Việc quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các công ty lâm nghiệp (Trong ảnh: Một cánh rừng tự nhiên tại huyện Krông Bông).

Chính vì vậy, chính DN phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xác định được diện tích, loại đất sử dụng cho từng mục đích sản xuất kinh doanh của đơn vị. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, thống kê diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất bị lấn chiếm, tranh chấp để có biện pháp xử lý dứt điểm. Đối với diện tích đất chuyển giao về địa phương quản lý, chính quyền địa phương sở tại cần tổ chức rà soát lại các đối tượng sử dụng đất để có phương án giải quyết cho các hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục giao đất hoặc thuê đất theo quy định. Về đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện giao rừng tự nhiên gắn với giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật bảo vệ phát triển rừng. Thực hiện định giá rừng sản xuất là rừng trồng làm cơ sở để giao vốn, thực hiện cổ phần hóa, liên doanh liên kết, thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Thực hiện xây dựng phương án quản lý bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng giàu và trung bình; thực hiện nhiệm vụ công ích theo phương thức đặt hàng giao kế hoạch hằng năm đối với rừng tự nhiên là rừng sản xuất chưa có phương án quản lý rừng bền vững, rừng tự nhiên nghèo có khả năng phục hồi trong thời gian chăm sóc chưa khai thác. Hoàn thiện hình thức giao khoán rừng, đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý chăm sóc, bảo vệ, lập dự án cải tạo để trồng rừng mới trồng cây công nghiệp hiệu quả hơn đối với rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt không có khả năng phục hồi.

Khai thác gỗ rừng trồng ở Krông Bông.
Khai thác gỗ rừng trồng ở Krông Bông.

Tìm hướng đi phù hợp

Ông Hà Văn Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, Công ty được giao quản lý, bảo vệ 28.428,23 ha rừng, trong đó, 8.985 ha rừng phòng hộ, 19,442,78 ha rừng sản xuất. Hiện tại, đơn vị cũng như các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn loay hoay tự tìm lối đi cho DN mình. Hoạt động sản xuất của DN chủ yếu dựa vào 2.000 ha rừng trồng. Năm 2009, đơn vị là một trong 9 DN của cả nước được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2009-2044 với mục tiêu duy trì việc quản lý và kinh doanh rừng tự nhiên bền vững. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước đóng cửa rừng, đơn vị cũng không được phép khai thác trong khi trữ lượng gỗ vẫn đủ điều kiện khai thác theo quy định. Điều này vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa là thiệt thòi cho DN. Mới đây, đơn vị đã tiến hành rà soát, đánh giá trữ lượng gỗ của 280 ha rừng sản xuất  tại 21 khoảnh thuộc 8 tiểu khu nằm trên địa bàn các xã: Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao, trữ lượng rừng đều đạt từ 270 m3/ha trở lên với sản lượng gỗ có thể khai thác 14.000 m3. Đơn vị đã có văn bản đề xuất cho phép được khai thác trong năm 2014-2015. Sở NN-PTNT cũng đã có công văn trình UBND tỉnh xem xét chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên cho đơn vị, đồng thời báo cáo Bộ NN-PTNT bố trí kế hoạch khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2014, 2015 cho đơn vị theo phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Việc tháo gỡ những nút thắt về quản lý, sử dụng rừng thì sẽ giúp DN khắc phục những khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.

Theo định hướng của Chương trình 40, tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ sắp xếp theo 2 hình thức: các công ty quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và có khả năng được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thì thực hiện sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp;  các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất chưa được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và chưa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững, thực hiện nhiệm vụ công ích, được huy động các nguồn lực tài chính theo pháp luật quy định để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng; được tận dụng sản phẩm từ rừng theo quy chế quản lý rừng; các công ty quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ, có diện tích  trên 5.000 ha liền vùng thì chuyển thành ban quản lý rừng, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu. Trên cơ sở đó, Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa xây dựng phương án sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp, trong đó sẽ cổ phần hóa Công ty TNHH Lâm nghiệp Phước An, do không còn rừng tự nhiên; giữ nguyên công ty lâm nghiệp 100 % vốn Nhà nước đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và M’Drak; chuyển sang Ban quản lý rừng đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lak, do đang quản lý diện tích rừng phòng hộ lớn; các công ty còn lại thì xem xét có thể thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên để gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản tại địa phương. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước, bản thân DN cần tự xác định, xây dựng hướng đi phù hợp.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc