Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế một năm vượt khó

15:48, 31/12/2015

Cùng với dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế trong nước, năm 2014 kinh tế của tỉnh tiếp tục một năm vượt khó để có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,2%.

Điểm sáng nông nghiệp

Đánh giá của UBND tỉnh cho thấy, trong 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2014 có 9 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, trong đó 6 chỉ tiêu là về  kinh tế. Tuy nhiên, sau một năm vượt khó, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 9,2%. Theo giá so sánh năm 2010, tổng sản phẩm xã hội ước đạt 37.700 tỷ đồng, trong đó giá trị ngành nông, lâm, thủy sản 16.420 tỷ đồng, tăng 5%, đạt 100,7% kế hoạch. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển khá, vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong sản xuất nông nghiệp, ngành trồng trọt vẫn duy trì tầm quan trọng, các loại cây trồng chủ lực đều vượt kế hoạch về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong đó, sản lượng lương thực năm 2014 ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng khoảng 153.000 tấn, vượt 13,8% so với kế hoạch. Đặc biệt, vụ đông – xuân được mùa, năng suất bình quân đạt 69,47 tạ/ha. Sản lượng cà phê đạt 457.000 tấn, cao su 30.000 tấn, tiêu 21.000 tấn. Đáng chú ý là diện tích tái canh cà phê đạt 3.118 ha/27.775 ha, đạt 82,97% kế hoạch năm 2014 và bằng 11,2% so với diện tích đề án xây dựng. Cũng trong năm 2014, tỉnh thu hút một số nhà đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi đến khảo sát, lập dự án: Công ty Thái Thành, TH Milk, Đức Long, Hoàng Anh Gia Lai… Tổng đàn gia súc toàn tỉnh hiện đạt 941.000 con, diện tích nuôi trồng thủy sản được 9.522 ha, sản lượng khoảng 16.500 tấn; sản lượng khai thác cá tự nhiên 2.000 tấn.

Hoạt động chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15.
Hoạt động chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15.

Thương mại, đầu tư nhiều tín hiệu vui

Mặc dù kinh tế có nhiều khó khăn nhưng tình hình lưu thông hàng hóa, giá cả thị trường tương đối ổn định, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 49.425 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 100% kế hoạch. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 730 triệu USD, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng so với năm 2013 tăng 12,3%. Năm 2014 cũng là năm hoạt động du lịch có mức tăng khá với tổng số khách du lịch 467.000 lượt, đạt 100,43%, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 47.000 lượt, tăng 17,5% so với cùng kỳ, khách trong nước đạt 420.000 lượt, tăng 13,51% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu 360 tỷ đồng, tăng 15,94% so với cùng kỳ năm 2013.

Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.opMart.
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.opMart.

So với năm 2013, tình hình thu hút đầu tư năm nay có nhiều khởi sắc, đã thu hút được 32 dự án đầu tư tư nhân (trong đó có 13 dự án vào các khu, cụm công nghiệp) với số vốn đăng ký 3.454 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2013 tăng 10 dự án với 354 tỷ đồng vốn đăng ký. Nhờ có bước tiếp cận theo hướng chủ động hơn nên số lượng các dự án đầu tư nước ngoài (chủ yếu là ODA) đã tăng lên rõ rệt, đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký là 1.973 tỷ đồng, tăng 7 dự án so với năm 2013. Cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đó là công ty TNHH Tập đoàn đầu tư quốc tế Trung Dung – Việt Nam, nâng tổng số các dự án FDI trên địa bàn tỉnh lên 10 dự án với tổng vốn đăng ký 173,7 triệu USD. Trong đó 8/10 dự án (với số vốn đăng ký 86,31 triệu USD) đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; 2 dự án đang trong giai đoạn triển khai đầu tư (tổng vốn đăng ký 91,8 triệu USD). Công tác vận động tài trợ ODA tiếp tục được quan tâm, phát huy hiệu quả, vận động thành công Dự án hỗ trợ kỹ thuật hạ tầng khu vực biên giới Tam giác phát triển (ADB), hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ADB đang phối hợp triển khai công tác thành lập Ban chuẩn bị dự án.  Ngoài ra, các chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ đã và đang chứng tỏ hiệu quả về mặt xã hội; việc cam kết thực hiện từ phía các đối tác ngày càng tích cực và ổn định. Trong năm 2014, đã vận động thành công 3 dự án với tổng vốn 770.000 USD. Hiện nay, Dak Lak có 13 khoản viện trợ (11 dự án và 2 khoản viện trợ phi dự án) đang được triển khai thực hiện, trong đó có 10 khoản viện trợ do UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản với tổng giá trị cam kết toàn dự án là 16,321 triệu USD.

Vững vàng bước vào năm 2015

Những năm qua, nhiều chủ trương lớn của Trung ương trong việc xây dựng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột - Dak Lak đã góp phần giúp tỉnh ta từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất kinh tế - xã hội. Các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn, mía… có mức giá ổn định, tạo điều kiện cho nông dân tái đầu tư và tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Năm 2015, nền kinh tế cả nước được dự báo tiếp tục trên đà phục hồi mạnh mẽ. Phát huy những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế trong năm 2014, Dak Lak tiếp tục đã đề ra những giải pháp để vững vàng bước vào năm 2015.  Mục tiêu là tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất phát triển; xây dựng và thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công; đẩy mạnh đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính; tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2014… Như đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo: Bước sang năm 2015 là năm cuối của  kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh (2011 – 2015), vì vậy, các ngành, các cấp và địa phương phải nỗ lực phấn đấu, phát huy tối đa các nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Lê Hưong


Ý kiến bạn đọc