Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ chợ đầu mối Tân Hòa mới hoạt động ổn định?

10:18, 30/03/2015

Qua nhiều lần trì hoãn, bắt đầu từ 20-3-2015, việc di dời chợ sỉ Tân An (phường Tân An) đã được UBND TP. Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong những ngày đầu di dời về đây, chợ đầu mối Tân Hòa vẫn vắng bóng tiểu thương đến mua bán!

Giảm giá thuê mặt bằng...

Vốn là khu chợ tự phát, lại nằm ở khu đông dân cư, chợ sỉ Tân An không bảo đảm an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị. Do đó, năm 2010, tỉnh đã có chủ trương di dời chợ sỉ Tân An đến chợ Tân Hòa, do Công ty TNHH Nhân Phú đầu tư xây dựng. Sau 5 năm triển khai, chợ đầu mối Tân Hòa đã hoàn thành có diện tích 3,5 ha, tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, với 450 quầy sạp, được phân thành 4 khu: rau, củ, quả; hải sản; hàng tạp hóa và kho bãi, riêng khu chợ đêm rộng 2,8 ha, với 220 kiốt.

Chợ đầu mối Tân Hòa vắng bóng tiểu thương.
Chợ đầu mối Tân Hòa vắng bóng tiểu thương.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh buôn bán tại các quầy sạp trong khu vực chợ, chủ đầu tư đã hạ mức phí thuê mặt bằng thấp hơn nhiều so với mức phí UBND tỉnh cho phép. Theo quy định của UBND tỉnh tại công văn số 2586/QĐ-UBND, ngày 4-11-2014 phê duyệt mức thu phí tại chợ Tân Hòa, tối đa đối với hộ đặt cửa hàng, cửa hiệu buôn bán cố định, thường xuyên tại chợ là 180.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT). Song do mới chuyển về địa điểm mới, chủ đầu tư đã hạ mức giá thu phí xuống, theo đó, mức thu tối đa 100.000/m2/tháng, và mức thu tối thiểu 60.000 đồng/m2/tháng. Hiện tại, đã có 105 hộ đặt cọc tiền thuê mặt bằng để kinh doanh tại chợ, và 59 hộ đăng ký kinh doanh, nhưng chưa đặt tiền thì chủ đầu tư chưa thu phí mặt bằng, chờ họ ổn định buôn bán mới tiến hành thu phí. Riêng đối với những hộ khó khăn hoặc buôn bán nhỏ lẻ, Công ty sẽ áp dụng hình thức thu phí mặt bằng theo năm, tháng, thậm chí ngày, tùy tiểu thương lựa chọn. Về phía chủ đầu tư, ông Phạm Ngọc Bội, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Phú cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng cũng như giá thuê mặt bằng để tiểu thương ổn định buôn bán tại chợ. Cùng với đó, Công ty mong muốn lực lượng chức năng có những giải pháp hiệu quả để tiểu thương quay về chợ đầu mối, để chợ Tân Hòa sớm ổn định hoạt động.

...Vẫn vắng bóng tiểu thương!

Ngày 20-3-3015, UBND TP. Buôn Ma Thuột thực hiện việc di dời chợ sỉ Tân An về chợ đầu mối Tân Hòa. Tuy nhiên, thay vì về chợ đầu mối Tân Hòa để kinh doanh buôn bán thì hầu hết tiểu thương lại kéo nhau về họp chợ tại một số điểm ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột. Điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Tại khu vực chợ sỉ Tân An cũ, lực lượng trật tự đô thị phường phải thay ca trực 24/24 giờ không cho người dân quay lại họp chợ tại khu vực này như trước đây. Còn tại khu vực phường Thành Nhất, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng huy động lực lượng để tuyên truyền, vận động bà con tiểu thương về chợ đầu mối Tân Hòa kinh doanh buôn bán, không họp chợ ở những địa điểm trái phép, gây mất an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tiểu thương chợ đầu mối Tân Hòa nhặt những trái cây thối rữa do để lâu ngày không bán được.
Tiểu thương chợ đầu mối Tân Hòa nhặt những trái cây thối rữa do để lâu ngày không bán được.

Dù rất nỗ lực, song trong những ngày đầu, chợ đầu mối Tân Hòa vẫn vắng bóng tiểu thương, thậm chí hàng hóa đưa về cũng ế ẩm không bán được, do đó người buôn bán về đây cứ thưa dần. Theo Ban Quản lý chợ này, tối 20-3 (tối đầu tiên thực hiện việc di dời chợ) có khoảng 90 tiểu thương tập kết hàng hóa về đây, song các bạn hàng của họ không đến mua hàng nên lần lượt kéo nhau đưa hàng lên các chợ khu vực phường Thành Nhất để giao hàng. Anh M., một tiểu thương chuyên buôn bán hàng rau, củ, quả phàn nàn, mỗi đêm anh nhập hơn 100 triệu đồng tiền trái cây, song khi chuyển về chợ mới, các mối mua hàng của anh đều không về, nên hàng trái cây của anh không bán được, lỗ hàng chục triệu mỗi ngày.

Trong khi đó, anh Th., một người bán trái cây thuê cho một tiểu thương đã đăng ký kinh doanh tại chợ đầu mối Tân Hòa cũng than phiền, mấy ngày nay chuyển về chợ mới, không có người mua, trái cây thối rữa hết, phải ngồi nhặt rất lâu. Còn anh D, (một người bán thuê) cũng bày tỏ, trước đây, mỗi tối chủ hàng của anh bán được khoảng 100 bao hàng rau, củ, quả, thì giờ về chợ mới chỉ bán được khoảng 10 bao, số còn lại thì phụ thuộc vào bạn hàng yêu cầu chở đến đâu thì phải chở đến đó giao. Còn chị L., (một tiểu thương bán cá) lo lắng, trước đây mỗi đêm bán được khoảng 2 tạ cá, giờ thì chẳng thấm thía vào đâu. Mấy hôm nay, từ 19 giờ, vợ chồng chị đã chở cá đến chợ đầu mối Tân Hòa, song chờ đến gần sáng cũng không thấy bạn hàng đến mua, phải gọi điện thoại liên tục hỏi bạn hàng ở đâu rồi chở hàng đến giao tận nơi. Biết làm thế rất tốn kém, nhưng để giữ mối, vợ chồng chị cũng như nhiều tiểu thương khác phải “ngậm bồ hòn làm ngọt!”, chứ mất mối thì đồng nghĩa với việc nghỉ buôn bán. Còn chị T.T.L, chia sẻ: buôn bán là nghề chính của chị, chị cũng muốn về tại chợ đầu mối Tân Hòa cho ổn định, nhưng các mối hàng đều tập trung tại phường Thành Nhất nên chị phải theo. Việc họp chợ trên đường cũng chỉ là bất đắc dĩ thôi, cứ bị lực lượng chức năng dẹp, nay chỗ này, mai chỗ kia, vừa mệt mỏi, vừa hỏng hết hàng hóa…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.