Rừng giao khoán bây giờ ra sao? (Kỳ I)
Việc giao đất giao rừng cho cộng đồng các thôn buôn theo Quyết định 178 (năm 2001) và Quyết định 304 (năm 2005) nhằm giúp người dân có thể dựa vào rừng cải thiện đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sau gần 15 năm thực hiện chủ trương trên, nhiều chủ rừng không còn mặn mà và ngày một lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ, để diện tích rừng được giao bị xâm hại nghiêm trọng.
Kỳ I: Rừng mất – còn sau giao khoán
Thực hiện Quyết định 178/2001/QĐ-TTg và Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Dak Lak đã giao trên 36 nghìn héc-ta rừng và đất lâm nghiệp cho 5.026 hộ dân quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, rất ít diện tích rừng trong số đã giao được quản lý, bảo vệ hiệu quả!
Rừng bị xâm lấn - nhìn từ Buôn Đôn
Năm 2006, huyện Buôn Đôn đã giao 1.000 ha rừng thuộc các tiểu khu 478, 480 và 481 cho 50 hộ gia đình của 7 buôn tại 2 xã Ea Huar và Krông Na quản lý, bảo vệ. Đến nay gần như toàn bộ diện tích rừng này đã bị người dân lấn chiếm trái phép, chỉ còn lại một số diện tích nhỏ, da beo ở các suối và đồi đá. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, nguyên nhân một phần do các hộ nhận đất, nhận rừng chủ yếu là hộ nghèo, không đủ năng lực để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phần khác do UBND cấp xã thiếu sự quan tâm trong việc thành lập tổ, đội để cùng phối hợp, hỗ trợ người dân trong công tác quản lý diện tích rừng được giao. Bên cạnh đó, năm 2009, khi các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su triển khai thực hiện tại địa phương, người dân ở các xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na và buôn Cháy (Cư M’gar) đã đến xâm chiếm rừng trái phép để trồng cao su, điều và các loại hoa màu. Có một nguyên nhân là do rừng được giao cho các cộng đồng hầu hết là rừng non tái sinh, trước đây các Công ty lâm nghiệp quản lý đã khai thác cạn kiệt, khi trả về địa phương, đa số rừng không còn trữ lượng gỗ, địa hình phức tạp, đất xấu, đồi núi đá, việc hưởng lợi từ rừng bước đầu hầu như không có. Những diện tích rừng này lẽ ra cần được sử dụng cho việc trồng lại rừng, khoanh nuôi tái tạo tự nhiên, nhưng các hộ gia đình lại không có vốn để đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương chưa làm tốt vai trò giám sát, kịp thời phát hiện sai phạm của chủ rừng để báo cơ quan chức năng xử lý, nên đã dẫn đến khi phát hiện được sai phạm thì rừng gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn. Trước tình trạng trên, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng trực thuộc xử lý, thu hồi trồng lại rừng.
Diện tích rừng giao khoán cho hộ dân ở xã Dak Nuê (Lak). |
Gần 11.000 ha rừng đã bị xóa sổ
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, từ năm 1999 đến 2010, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư là 36.055,4 ha (diện tích có rừng 26.983,8 ha, không có rừng 8.328,1 ha) cho 5.026 hộ (2.184 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ). Trong đó, giao theo Quyết định 304 là 10.966,8 ha trên địa bàn 5 huyện: Ea H’leo, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Drak, Krông Ana; giao theo Quyết định 178 là 25.088,6 ha trên địa bàn 8 huyện: Ea Kar, Krông Buk, Ea H’leo, Krông Bông, Lak, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Ana. Tuy nhiên, rất ít diện tích rừng trong số đã giao được quản lý, bảo vệ hiệu quả. Sau rà soát, rừng và đất lâm nghiệp hiện chỉ còn 25.469,3 ha, rừng bị phá, lấn chiếm, xâm canh trái phép 10.610,2 ha. Trong đó, diện tích giao theo Quyết định 304 bị lấn chiếm 2.086,33 ha, giao theo quyết định 178 bị lấn chiếm 8.523,8ha. Hầu hết, các địa phương sau khi triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng các thôn, buôn, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý bảo vệ đều để xảy ra mất rừng. trong đó, một số huyện để diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép lên đến con số trên 1000 ha như: Krông Bông (6.866ha), Ea Súp (2.0395,3 ha)…
Nhiều khoảnh rừng giao cho cộng đồng, nhóm hộ gia đình ở xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) bị chặt phá trơ trụi. |
Lý giải về tình trạng trên, ông Lê Cước, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng – Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, chính sách giao đất, giao rừng qua thực tế triển khai tại địa phương gặp khá nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện để người dân gắn bó bền vững với rừng. Đời sống của những người nhận đất, rừng vẫn gặp nhiều khó khăn vì những sản phẩm phụ thu được từ rừng không đáng kể do rừng được giao chủ yếu là rừng nghèo. Lợi ích kinh tế có thể mang lại cho người nhận rừng chỉ có 2% giá trị gỗ khi đến chu kỳ khai thác, nhưng để có được người dân phải đợi ít nhất từ 10 đến 20 năm (tùy theo trạng thái rừng lúc nhận) nên nhiều diện tích rừng không được quản lý, bảo vệ hiệu quả cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả việc tận dụng đất trống từ rừng để sản xuất, lấy ngắn nuôi dài, người dân vẫn rất lúng túng vì thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn từ phía chính quyền địa phương sở tại… Bên cạnh đó, với định mức giao đất, giao rừng 30ha là khá lớn đối với hộ gia đình nên sẽ khó khăn trong khâu tổ chức quản lý, bảo vệ rừng. Điều đó cũng góp phần dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp diễn ra phổ biến, chưa kể có địa phương người dân xin trả lại rừng vì không đủ khả năng quản lý, bảo vệ cũng như không thể dựa vào rừng để mưu sinh…!
(Còn nữa)
Lê Hương – Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc