Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay từ những dự án ở Cư Pui

09:43, 12/06/2015
Cư Pui là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông với 82% dân số là người dân tộc thiểu số; diện tích đất tự nhiên rộng nhưng chủ yếu là đất đồi dốc, cằn cỗi; tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 30%. Khó khăn là vậy song trong những năm qua, cơ sở hạ tầng nông thôn của xã Cư Pui được xây dựng khang trang, cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện nhờ một số chương trình, dự án của Nhà nước triển khai ở đây.

Ngoài việc tạo thu nhập cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn từ việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, trong 2 năm 2013-2014, Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) còn đầu tư xây dựng phòng học, nhà hiệu bộ, tường rào, cổng trường cho Trường THCS Cư Pui và Trường Mẫu giáo Cư Pui trị giá gần 3,7 tỷ đồng. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui phấn khởi cho hay: “Trước đây, nhà trường có đến 8 phòng học tạm, không có phòng làm việc, cổng trường, tường rào. Vừa qua Dự án FLITCH đã xây dựng cho nhà trường 4 phòng học kiên cố ở 2 điểm lẻ, 1 nhà hiệu bộ và cổng trường, tường rào ở điểm trường chính trị; phụ huynh học sinh đóng góp thêm 59 triệu đồng và hàng trăm ngày công xây dựng 700 m2 sân bê tông. Nhờ vậy, nhà trường có phòng học, phòng làm việc khang trang, sân trường bê tông sạch sẽ, cô và trò vô cùng phấn khởi”.

Đường bê tông nội vùng ở buôn Khanh được xây dựng  từ nguồn vốn Chương trình 135.
Đường bê tông nội vùng ở buôn Khanh được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135.

Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến năm 2014, xã Cư Pui đã được đầu tư hơn 7,6 tỷ đồng từ vốn Chương trình 135; qua đó đã xây dựng được 3,9 km đường bê tông nội vùng, 6,4 km đường cấp phối nội vùng, xây 4 phòng ở giáo viên, sửa chữa phòng học... Đầu năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã Cư Pui đã hỗ trợ 11 con bò cái sinh sản cho 22 hộ khó khăn với tổng trị giá 220 triệu đồng (2 hộ được cấp 1 con bò). Được cấp 1 con bò sinh sản trị giá 20 triệu đồng từ chương trình này, gia đình anh Y Hội Niê và anh Y Nhuân Niê ở buôn Khóa rất vui mừng. Anh Y Hội tâm sự: “Bố mẹ mình đông con nên nghèo lắm. Khi cùng vợ và 2 con ra ở riêng, mình chẳng có gì ngoài căn nhà tạm. Gia đình chỉ có hơn 8 sào đất cằn trồng sắn và 500 m2 đất ruộng trồng lúa một vụ. Hằng năm thiếu ăn đến 2 - 3 tháng. Giờ được Nhà nước cho bò làm giống mình mừng lắm. Nó đã có bầu được hơn 3 tháng. Mình cố gắng chăm thật tốt để nó sinh sản. Mai kia có vốn sẽ làm nhà và lo cho các con ăn học”.

Trong thời gian tới, xã Cư Pui tiếp tục được cấp trên bổ sung thêm 20 tỷ đồng (trong gói 30 tỷ đồng) từ nguồn vốn Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do vùng Ea Lang để hoàn thiện 3,5 km đường vào thôn Ea Bar, xây dựng mới 8 phòng học cho trường THCS, 4 phòng học mẫu giáo. Xã cũng sẽ được cấp thêm 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để hỗ trợ 30 hộ mua bò sinh sản, xây phòng học và một số vốn từ chương trình giảm nghèo bền vững của Tỉnh ủy hỗ trợ làm hệ thống mương thủy lợi… Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui chia sẻ: “Để nguồn vốn của các dự án đưa về mang lại hiệu quả, lãnh đạo địa phương luôn lắng nghe nguyện vọng của dân, bàn bạc, thảo luận và “chắt chiu” từng đồng vốn để đầu tư vào những hạng mục thực sự cần thiết như: sửa chữa cầu, làm đường giao thông, cơ sở vật chất trường học, nhà ở giáo viên, kênh mương, hỗ trợ phát triển kinh tế… Đồng thời, thường xuyên tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.