Multimedia Đọc Báo in

Dự án cầu treo dân sinh: Khó về đích đúng hạn

12:07, 26/06/2015

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, đến cuối tháng 6-2015, các công trình cầu treo dân sinh thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh ở 28 tỉnh, thành miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên phải hoàn thành. Tuy nhiên, thực tế tại Dak Lak, một số dự án vẫn còn ngổn ngang các hạng mục và các địa phương không bố trí được vốn làm đường 2 đầu cầu, nguy cơ các công trình cầu treo sẽ… “treo” vì thiếu đường.

Thi công cầu thôn 7, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn).
Thi công cầu thôn 7, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn).

Theo Quyết định số 1906/QĐ-BGTVT, ngày 20-5-2014 của Bộ GTVT phê duyệt Đề án xây dựng cầu treo dân sinh ở 28 tỉnh, thành miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, cả nước có 186 cầu đã và đang được chủ đầu tư triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6-2015. Đề án được thực hiện tại 28 tỉnh, thành gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Dak Lak, Dak Nông và Lâm Đồng. Tổng nhu cầu vốn của 186 cầu khoảng 931,7 tỷ đồng, được xây dựng trong giai đoạn 2014-2015. Về giải pháp huy động vốn, Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương huy động nguồn lực trong và ngoài nước đề thực hiện Đề án, còn trước mắt sử dụng ngân sách Nhà nước. Riêng Dak Lak được xây dựng 9 cầu, chiều dài 740 mét, với trên 11.000 người dân được hưởng lợi, gồm: cầu thôn 7, thôn 8 xã Ea Huar, cầu thôn 8, thôn Ea Ly xã Ea Wer (Buôn Đôn); cầu Cố Kính (thị xã Buôn Hồ); cầu thôn Bình Minh (huyện Krông Năng); cầu thôn 2, thôn 6, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) và cầu Ea Chai, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).

Sở GTVT kiểm tra hiện trường tại công trình cầu thôn 8, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn).
Sở GTVT kiểm tra hiện trường tại công trình cầu thôn 8, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn).

Chủ trương xây dựng cầu treo dân sinh là thực hiện chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm phục vụ việc đi lại của nhân dân các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cháu học sinh với phương châm bốn nhất: an toàn nhất, nhanh nhất, nhiều nhất, hiệu quả nhất. Vì vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu công tác quản lý, điều hành và thi công xây dựng cầu treo phải bảo đảm khách quan, minh bạch và thật khẩn trương. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai đề án trên phạm vi cả nước đã gặp không ít khó khăn về vốn, việc khảo sát thiết kế và triển khai thi công phải thực hiện với địa bàn rộng, phân tán trên các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên xa xôi, hẻo lánh nên khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu. Thêm vào đó, một số địa phương còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và một số vị trí cầu khi khảo sát thấy không phù hợp với tiêu chí xây dựng cầu treo phải kiến nghị thay đổi dẫn đến kéo dài thời gian, trong đó, Dak Lak cũng là một minh chứng.

Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ứng trước nguồn ngân sách Trung ương 400 tỷ đồng để thực hiện Đề án. Để có thêm nguồn kinh phí hoàn thành toàn bộ 186 cầu, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ các phương án huy động vốn để đạt mục tiêu của Đề án. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế việc triển khai xây dựng các cầu trên địa bàn Dak Lak, một số công trình còn ngổn ngang các hạng mục, khó về đích đúng hạn. 9 cầu treo trên địa bàn Dak Lak do 5 đơn vị tiến hành thi công gồm: Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 3, Công ty TNHH MTV Xây dựng 470, Liên danh Công ty TNHH Quang Tiến, Hưng Phú và Công ty Cổ phần quản lý – xây dựng Dak Lak. Theo thống kê của Ban Quản lý dự án (Sở GTVT), đến thời điểm này, hầu hết các cầu đang triển khai các hạng mục như đổ bê tông trụ và mố cầu, lắp đặt neo, hệ dầm mặt cầu và lan can… Liên quan đến vấn đề này, ông Lục Văn Toại, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (Sở GTVT) cho biết, ngoài 2 cầu là cầu thôn 8 (xã Ea Huar) và cầu thôn Bình Minh có khả năng hoàn thành đúng tiến độ đề ra của Bộ GTVT thì các cầu còn lại khó về đích đúng hạn, bởi còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Đơn cử, cầu thôn 8, xã Ea Wer đến nay vẫn chưa xong phần bê tông mố và trụ, chưa có kết cấu phần trên và cổng cầu; cầu thôn 2, xã Hòa Lễ chưa có cáp… Ngoài ra, một số cầu phải điều chỉnh thiết kế như cầu thôn 8 (xã Ea Wer), cầu Ea Chai dẫn đến làm ảnh hưởng tiến độ chung của các dự án. Thêm vào đó, công tác bàn giao mặt bằng sạch của một số địa phương quá chậm, vẫn còn tình trạng người dân cản trở, gây khó khăn cho các nhà thầu trong quá trình thi công công trình.

Trong khi các công trình đang ngổn ngang các hạng mục, tại các địa phương được triển khai dự án lại đang “bí vốn” xây dựng đường đấu nối 2 đầu cầu. Chẳng hạn, huyện Buôn Đôn là địa phương được xây dựng 4 cầu, nhưng đến nay, huyện chưa tìm được nguồn để bố trí vốn làm đường 2 đầu cầu. Theo tính toán của huyện, tổng chiều dài các tuyến đường nối 4 cầu xây dựng tại địa phương khoảng 2,4 km, kinh phí ước tính 4,8 tỷ đồng, quy mô đường cấp V, bằng bê tông xi măng, mặt đường rộng 3 mét. Tại huyện Krông Ana, địa phương được xây dựng cầu Ea Chai, kinh phí để đấu nối đường 2 đầu cầu nếu làm bằng bê tông xi măng khoảng 5 tỷ đồng, còn đường đất cấp phối khoảng 1,4 tỷ đồng... Tại Quyết định 1906 của Bộ GTVT đã nêu rõ, công tác giải phóng mặt bằng và kinh phí kết nối đường 2 đầu cầu do địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ở một số công trình, nguy cơ cầu xây xong, nhưng người dân vẫn phải qua sông bằng cách đu cáp, thuyền ghe là rất cao do không có đường. Thiết nghĩ, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, các địa phương cần linh hoạt trong việc bố trí vốn để làm đường đấu nối 2 đầu cầu, trước mắt có thể tận dụng các đường dân sinh có sẵn, tạm thời làm đường cấp phối để bảo đảm khi cầu hoàn thành nhân dân có thể đi lại được ngay, nhất là trong thời điểm mùa mưa đang cận kề.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.