Nguy cơ lúa cỏ lây lan trên diện rộng
Hệ lụy từ canh tác dày vụ
Lúa cỏ hay còn gọi là lúa ma, là những hạt lúa rơi rụng trên đồng ruộng từ mùa này qua mùa khác đã bị thoái hóa, khi mọc có chiều cao hơn các giống khác, nổi bật trên đồng ruộng, hạt thường có râu dài, thời gian chín sớm, dễ rụng, chín tới đâu hạt rụng tới đó, do vậy gần như không thể loại bỏ khi cùng thu hoạch với giống lúa chính. Hạt lúa cỏ tồn tại trong đất, có thể nảy mầm sau 3 tháng, tỷ lệ nảy mầm cao nên những ruộng lúa xuất hiện lúa cỏ vụ này thì tần suất xuất hiện vụ sau tăng lên gấp bội. Đặc biệt, lúa cỏ có thể xuôi theo dòng nước từ vùng này sang vùng khác nên khả năng lây lan nhanh trên diện rộng. Lúa cỏ cạnh tranh chất dinh dưỡng, ánh sáng với lúa sản xuất chính, nên những diện tích bị nhiễm thường giảm năng suất từ 15 – 17%. Ông Nguyễn Thế Hiển, thôn 5, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, gia đình có 3 sào lúa, sản xuất 3 vụ/năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lúa cỏ xuất hiện ngày càng nhiều, riêng vụ đông xuân 2014 – 2015, lúa cỏ chiếm 20%, khiến sản lượng lúa chính ước giảm 1/5 so với các ruộng liền kề cùng giống và mức đầu tư tương đương. Không chỉ giảm năng suất mà những diện tích xuất hiện lúa cỏ thường lây lan từ mùa này sang mùa khác khiến việc tiêu diệt cũng khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Mường cùng địa chỉ trên cho hay, hai năm trước, lúa cỏ chỉ xuất hiện rải rác trên 3 sào ruộng của gia đình, nhưng vụ đông xuân 2014 - 2015, mặc dù gia đình đã tập trung tiêu diệt khi cây còn nhỏ, nhưng đến cuối vụ, tỷ lệ lúa cỏ trên đồng ruộng vẫn chiếm hơn 50%, khiến năng suất lúa chính cũng giảm tỷ lệ tương đương 50%. Không chỉ giảm năng suất, hạt lúa cỏ thường có màu đỏ nên khi xay xát, sắc màu hạt gạo không đồng đều, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, giá thành gạo thành phẩm.
Một ruộng lúa tại xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột bị nhiễm lúa cỏ. |
Cần sản xuất đúng thời vụ
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông xuân 2014 – 2015, dịch lúa cỏ xuất hiện rải rác tại các vùng trồng lúa trên những diện tích gieo sạ trực tiếp, trong đó có 3 ha bị mất trắng, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất lúa chính cuối vụ cũng như có khả năng lây lan mạnh trên các vụ lúa tiếp theo. Lúa cỏ có nhiều đặc điểm thích nghi trên chân ruộng nên rất khó tiêu diệt, chi phí phòng trừ rất cao, để hạn chế nguy cơ lây lan và mức độ thiệt hại do lúa cỏ gây ra, Chi cục khuyến cáo, đối với những ruộng lúa bị nhiễm, cần phải nhổ bỏ lúa cỏ bằng tay, thường xuyên cắt các bông lúa cỏ lẫn tạp khi chưa chín, đem đi tiêu hủy. Những diện tích lúa bị nhiễm từ 70 - 80% cần nhanh chóng tiêu hủy (cắt, đốt toàn bộ) nhằm tránh để hạt lúa cỏ chín, rơi rụng trên ruộng, sau đó tiến hành cày lật gốc, ngâm dầm cho thối hạt hoặc thả vịt vào ruộng để ăn hết hạt lúa cỏ. Về lâu dài, cần sử dụng các biện pháp canh tác tổng hợp như sản xuất đúng lịch thời vụ, sử dụng các giống lúa sạch, không dùng lúa thịt để sản xuất lúa giống; sạ hàng trên những diện tích bị nhiễm lúa cỏ vụ trước để tiêu diệt lúa cỏ khi còn nhỏ; làm đất trước khi gieo trồng một thời gian để nhử cho hạt lúa cỏ cùng nhiều loại cỏ khác mọc lên rồi cày trục, tiêu diệt hoặc áp dụng loại thuốc trừ cỏ không chọn lọc để tiêu diệt; thường xuyên vệ sinh động ruộng, kênh mương sau mỗi vụ thu hoạch… Những chân ruộng cao trồng một vụ lúa có thể luân canh cây lúa với các cây trồng cạn là một phương pháp quản lý hữu hiệu, đặc biệt là các loại cây họ đậu như đậu xanh, đậu phụng… Nếu cần, có thể dùng thuốc trừ cỏ tiêu diệt trực tiếp lúa cỏ (họ hòa bản) mà không ảnh hưởng đến cây họ đậu (họ lá rộng).
Ông Đào Thế Sang, Phó phụ trách Trại lúa giống Hòa Xuân cho biết, lúa cỏ tên tiếng Anh là “red rice”, liên quan rất gần với lúa trồng, nếu trên lúa bị lẫn tạp lúa cỏ từ 35% trở lên thì năng suất có thể giảm 50 - 60%. Dịch lúa cỏ xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây, thường mọc ở những diện tích sạ trực tiếp 3 vụ/năm và mức độ thiệt hại ngày càng tăng đến mức báo động. Đã đến lúc người nông dân cần cân nhắc về những bất cập từ việc canh tác dày vụ (3 vụ/năm).
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc