Multimedia Đọc Báo in

Nuôi bò thịt - hướng thoát nghèo của phụ nữ Ea Tiêu

09:41, 12/06/2015
Thời gian qua, Dự án nuôi bò thịt của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đã trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả của hội viên phụ nữ xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). Với việc đầu tư chuồng trại tại hộ gia đình, tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt làm nguồn thức ăn chính, dự án này đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, mang lại hy vọng cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn.

Năm 2013, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ 25 con bò với tổng trị giá 250 triệu đồng cho 25 hội viên phụ nữ ở xã Ea Tiêu có hoàn cảnh khó khăn với phương thức hỗ trợ hội viên làm chuồng và hệ thống nước thải chăn nuôi và 10 triệu đồng tiền giống. Thời gian được tính cho các hộ nhận bò nuôi là 3 năm. Sau thời gian trên, các hộ phải hoàn trả lại tiền mua bò giống cho Dự án để tiếp tục cho các hộ nghèo khác vay theo hình thức xoay vòng. Gia đình chị H’Vơ Knul ở buôn Kram là hộ nghèo lâu năm của xã Ea Tiêu, không có đất sản xuất, gia đình lại đông con, cuộc sống của cả nhà chỉ trông vào 1 sào ruộng mỗi năm 2 vụ không đủ ăn và tiền làm thuê của hai vợ chồng, bản thân chị H’Vơ lại ốm đau triền miên. Được hỗ trợ một con bò giống từ Dự án nuôi bò hướng thịt của Trung ương Hội,  gia đình chị H’Vơ rất mừng. Cả nhà đều tập trung chăm bẵm con bò với hy vọng cuộc sống sẽ được cải thiện hơn, 3 năm sau sẽ hoàn trả lại vốn cho Nhà nước đúng hạn. Cũng như nhà chị H’Vơ, gia đình chị H’ Juen Knul cũng thuộc diện khó khăn của xã, gia đình không có đất sản xuất, nhà đông con, bản thân chị là cán bộ phụ nữ lâu năm. Vì vậy, sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ quan tâm hỗ trợ 2 bò trong Dự án nuôi bò thịt (một con hỗ trợ cho chị và một con cho con gái chị), nhà chị đều dồn sức chăm 2 con bò. Gia đình chị đã tận dụng nguồn thức ăn dồi dào như ngô, chuối, rơm... để chăn nuôi. Hiện nay con bò của gia đình chị H’Juen đang mang thai và sẽ sinh bê con vào tháng 9 tới đây.

Chị H’Juen Knul đang chăm sóc đàn bò của mình.
Chị H’Juen Knul đang chăm sóc đàn bò của mình.

Nói về Dự án này, chị Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Tiêu cho biết: “Qua bước đầu thực hiện Dự án nuôi bò hướng thịt, hội viên phụ nữ xã đã thay đổi tập quán từ chăn thả tự nhiên chuyển dần sang nuôi theo hướng thâm canh, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có của gia đình, tự nhiên, hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng theo quy mô khép kín. Về lâu dài, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm thêm nguồn vốn vay ưu đãi khác để cho người dân vay phát triển mô hình nuôi bò với nhiều giống bò lai, nâng quy mô cũng như chất lượng đàn bò. Nuôi bò được chọn là một trong hướng làm ăn giúp người dân thoát nghèo, làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương”.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.