Phát triển du lịch Dak Lak: Loay hoay với bài toán khai thác và đầu tư - Kỳ I: Khai thác chưa tương xứng tiềm năng
Với mục tiêu “phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh vào năm 2020, định hướng đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, trong những năm qua ngành “công nghiệp không khói” đã được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm đầu tư, phát triển; tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra vẫn còn là bài toán khó...
Kỳ I: Khai thác chưa tương xứng tiềm năng
Tài nguyên phong phú, được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng chưa được khai thác tương xứng – đó là nhận định chung khi phác thảo bức tranh toàn cảnh du lịch Dak Lak trong thời điểm hiện nay...
Tài nguyên phong phú, đa dạng
Là địa phương có tiềm năng về du lịch, hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên cùng các yếu tố bản sắc văn hóa, trong những năm qua huyện Lak đã có chiến lược khai thác tiềm năng về tài nguyên rừng và một số di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Với hệ thống sông suối, thác ghềnh phong phú, tiêu biểu như: hồ Lak, thác Bìm Bịp, suối Đá...; những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn như: Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, rừng đặc dụng Nam Ka, rừng Yang Tao; và đặc biệt, cùng với Buôn Đôn, huyện Lak cũng là một trong những cái nôi của nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, kèm theo đó là hệ thống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa có liên quan đến voi... là những lợi thế để địa phương phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá. Bên cạnh đó, với tài nguyên về du lịch nhân văn như hệ thống di tích lịch sử văn hóa gồm: Biệt điện Bảo Đại, khu di tích lịch sử hang đá Ba Tầng; một số buôn cổ của người M’nông như buôn M’Liêng, buôn Jun còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống cũng là mặt mạnh để phát triển loại hình du lịch văn hóa – lịch sử...
Các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng phục vụ du khách tại Khu du lịch văn hóa sinh thái cộng đồng Kô Tam. |
Nét vẽ sơ bộ về tiềm năng du lịch của huyện Lak ở trên cũng là “lát cắt” đặc trưng của tiềm năng du lịch Dak Lak nói chung. Có thể nói, hầu hết các huyện, thị, thành phố của tỉnh đều có những địa điểm danh thắng, di tích để đưa vào phục vụ du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 di tích lịch sử, danh thắng được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; chưa kể hàng chục di tích, thắng cảnh tiềm năng khác phân bố đều khắp mà chưa được khai thác hết. Những danh thắng, di tích quen thuộc với nhiều người và đã được định danh trên “bản đồ du lịch” của giới lữ hành trong và ngoài nước như các thác: Gia Long, Bảy Nhánh, Krông Kmar, Thủy Tiên..., hồ Lak, hồ Ea Kao, Bảo tàng Dak Lak, Biệt điện Bảo Đại, chùa sắc tứ Khải Đoan... Bên cạnh những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, trên địa bàn Dak Lak còn có 47 dân tộc anh em sinh sống với nhiều nét văn hóa truyền thống được lưu giữ như: cồng chiêng, đàn đá, các nghi lễ, phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc, cùng các sản phẩm làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, làm gốm, điêu khắc... cũng là điều kiện thuận lợi sẵn có cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại các khu, điểm du lịch nhằm tạo sắc thái riêng cho du lịch Dak Lak vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Sản phẩm du lịch đơn điệu, manh mún
Hiện nay, các sản phẩm du lịch của tỉnh gồm có các loại hình: du lịch trên hồ, sông nước; du lịch leo núi; du lịch hang động; du lịch dã ngoại, sinh thái; du lịch tham quan bảo tàng cách mạng, bảo tàng dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa; du lịch nghiên cứu khoa học; du lịch cộng đồng...
Bảo tàng Dak Lak là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách. |
Nếu chỉ điểm qua tên các loại hình du lịch cũng thấy khá phong phú, nhưng trên thực tế lại không được như “quảng cáo”, bởi sự đơn điệu, trùng lắp từ ý tưởng đến cách thức thực hiện. Theo như nhận xét của bà Nguyễn Thị Thủy, đại biểu HĐND tỉnh, trong đợt giám sát vừa qua về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2012/NQ-HĐND tỉnh về phát triển du lịch Dak Lak giai đoạn 2012-2015, những sản phẩm du lịch ở tỉnh ta còn tương đối “nghèo nàn”, nhất là các dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao. Ngoài nét sản phẩm đặc thù, riêng biệt về voi thì ngành du lịch Dak Lak vẫn chưa tạo được những sản phẩm hấp dẫn, mang đậm bản sắc chỉ riêng Dak Lak mới có. Khi xây dựng một tour du lịch phải đáp ứng được các nhu cầu về ăn, ở, đi lại, đặc biệt là phải xây dựng được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để có thể níu chân du khách ở lại tham quan, khám phá, thưởng thức ẩm thực, vui chơi không chỉ trong một buổi, một ngày. Mà điều này thì các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh hầu như chưa làm được. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù và tính cạnh tranh cao, ít tạo thêm các sản phẩm du lịch mới hoặc làm mới sản phẩm đang có nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách. Bên cạnh đó, sự “sao chép” của các hình thức tổ chức như: nghe diễn tấu cồng chiêng, ăn cơm lam, uống rượu cần, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được bày bán tại các điểm du lịch đều “na ná”, rập khuôn giống nhau cũng làm mất tính đặc trưng riêng có, tạo cảm giác nhàm chán cho du khách...
(Còn nữa)
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc