Phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm: Khi nào người dân mới hết lơ là?
Từ 1, 2 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Dak Lak được kiểm soát khá tốt, không còn xảy ra các ổ dịch lớn. Tuy nhiên, thực trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, cùng với sự chủ quan, lơ là của một bộ phận người chăn nuôi là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan.
Nguy cơ dịch bệnh lây lan
Mới bước vào mùa mưa, nhưng trên địa bàn Dak Lak đã có 2 huyện, thị xã xuất hiện bệnh lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm trên đàn bò và gà, vịt. Cụ thể, từ ngày 18 đến 19-4, trên địa bàn xã Bình Thuận (TX. Buôn Hồ) đã xảy ra bệnh LMLM trên đàn bò ở 8 hộ chăn nuôi thuộc các thôn Bình Thành I, III, IV, buôn Jut và thôn Bình Hòa III, với tổng số gia súc mắc bệnh là 22 con. Theo Chi cục Thú y, đàn bò này bị mắc bệnh do chưa được tiêm phòng vắc-xin, vì vậy Chi cục đã cấp 6.700 liều vắc-xin LMLM để Trạm Thú y thị xã triển khai tiêm phòng bao vây vùng dịch, không để dịch lây lan và nhanh chóng hoàn thành tiêm phòng vắc xin LMLM đợt I năm 2015 trên địa bàn toàn thị xã, đồng thời chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi cách điều trị bệnh… Nhờ triển khai các biện pháp kịp thời, tình hình dịch bệnh đã ổn định, từ 28-4 đến nay đã không phát sinh thêm.
Chăn nuôi bò theo hình thức thả rông ở huyện Lak. |
Tình hình bệnh LMLM mới tạm lắng thì vào ngày 20-5 lại xuất hiện ổ bệnh cúm A/H5N1 tại thôn 5, xã Ea Lê, huyện Ea Súp với quy mô 1.200 con vịt đẻ và 300 con vịt thịt. Cùng thời gian trên, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện phối hợp với UBND các xã đã phát hiện khoảng 100 con vịt tại cánh đồng thôn 14 thuộc xã Ia T’mốt bị cúm gia cầm. Ngay khi nhận được thông báo, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng, Cơ quan Thú y vùng V xuống làm việc với UBND huyện Ea Súp, các phòng chuyên môn trực thuộc huyện và các xã Ea Lê, Ia T’mốt nhằm thống nhất các biện pháp bao vây, khống chế, không để dịch tiếp tục phát sinh. Trong khi các ổ bệnh trên chưa qua 21 ngày thì trên địa bàn 2 xã này lại tiếp tục xuất hiện thêm 2 ổ bệnh, cụ thể: ngày 28-5, hộ ông Lương Văn Chẩn, thôn 10, xã Ia T’mốt xuất hiện vịt chết nghi mắc bệnh cúm gia cầm H5N1, Trạm Thú y cùng với thú y xã đã xuống kiểm tra và tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt 2.347 con 61 ngày tuổi; tại thôn 10, xã Ea Lê cũng xuất hiện thêm ổ bệnh cúm gia cầm phải tiêu hủy 400 con vịt. Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, hiện tình hình bệnh cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm của huyện đang có chiều hướng lây lan do nhiều hộ chăn nuôi chủ quan không tiêm phòng vắc-xin, nên địa phương đang tập trung khoanh vùng dập dịch; khuyến cáo người dân không lơ là tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm.
Đẩy mạnh công tác phòng chống
Theo số liệu của Phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh tăng khá mạnh; so với cùng kỳ năm trước, đàn trâu có 35.799 con, tăng 5,4%; đàn bò 181.315 con, tăng 8,7%; đàn heo 730.797 con, tăng gần 5%; gia cầm trên 9,4 triệu con, tăng 8,49%. Ông Nguyễn Khắc Chuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y cho biết, nhìn chung người chăn nuôi đã ý thức được việc lựa chọn giống từ những nguồn sạch bệnh, thực hiện tiêm phòng và vệ sinh thú y, nhưng chủ yếu là các trang trại và gia trại thực hiện tốt điều này, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức vẫn còn hạn chế. Để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, Chi cục đã hướng dẫn các địa phương căn cứ vào kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Chi cục để xây dựng kế hoạch riêng trên địa bàn, nhằm tạo thế chủ động trong công tác phòng chống dịch. Chính vì vậy, khi bệnh mới xuất hiện, như ở xã Bình Thuận, chính quyền thị xã Buôn Hồ đã tập trung chỉ đạo các biện pháp dập dịch dứt điểm, không để lây lan. Đặc biệt, với ổ bệnh cúm gia cầm ở huyện Ea Súp, Chi cục đã thực hiện quyết liệt các biện pháp như thông báo với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 để đơn vị bạn biết, chủ động giám sát, theo dõi sức khỏe cho người; tiêu hủy ngay toàn bộ đàn gia cầm bị bệnh và cắm biển báo có dịch, cấm không cho chăn nuôi tái đàn vịt tại vùng dịch… Đối với các hộ ấp nở, buôn bán giống gia cầm, yêu cầu tạm dừng ấp nở và cung cấp giống ra thị trường. Chi cục Thú y cũng đã cấp 100 lít hóa chất Benkocid, cùng quần áo bảo hộ và dụng cụ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch để triển khai tổng vệ sinh tiêu độc khu vực có dịch, phương tiện tham gia tiêu hủy, khu vực hố chôn gia cầm trên địa bàn 2 xã Ea Lê và Ia T’mốt; triển khai tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, đến nay đã tiêm được 9.500 liều và đang tiếp tục tiêm phòng. Chính quyền huyện đã thông báo trên hệ thống loa đài của địa phương về tình hình dịch, đồng thời ký cam kết “5 không” với các hộ có gia súc nhiễm bệnh…
Người chăn nuôi cần lưu ý tiêm phòng vắc-xin cho đàn vịt để phòng bệnh dịch Trong ảnh: Nuôi vịt ở xã Ea Hu, huyện Cư Kuin). |
Chi cục Thú y khuyến cáo, hiện nay tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tốc độ chăn nuôi đang tăng mạnh, khả năng kháng bệnh của vật nuôi kém… là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Do vậy, các hộ chăn nuôi phải lưu ý phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vì đầu tư cho chăn nuôi là đầu tư lớn nhưng rủi ro cao, trong khi phòng bệnh cho vật nuôi là đầu tư ít nhưng hạn chế được nhiều rủi ro. Cho nên, không được chủ quan ngay cả lúc vật nuôi khỏe mạnh, phải nghĩ rằng, bệnh ngay trong chuồng nhà mình để luôn ý thức việc phòng bệnh bảo vệ đàn vật nuôi, nhất là việc tiêm phòng vắc-xin.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc