Cho vay hộ cận nghèo – "Bệ phóng" thoát nghèo bền vững
Trong khi các hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ, đặc biệt là ưu đãi về tín dụng, thì các hộ cận nghèo lại không được hưởng bất kỳ một chính sách ưu đãi nào dù cuộc sống của họ cũng không khá hơn các hộ nghèo là mấy. Do vậy, chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn là cơ hội để người dân tại Đắk Lắk thoát, giảm nghèo một cách bền vững.
Cán bộ tín dụng NHCSXH hướng dẫn thủ tục cho vay hộ cận nghèo tại huyện Cư Kuin. |
Là một gia đình trẻ, sau khi lấy nhau, vợ chồng chị Võ Thị Hạnh (buôn Liên Kết 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk gặp muôn vàn khó khăn. Vợ chồng chị được bố mẹ chia cho một mảnh đất đủ để làm nhà và khoảng gần 5 sào ruộng lúa, chị ở nhà làm ruộng, anh thì gặp gì làm nấy nên đời sống rất khó khăn. Rồi lần lượt những đứa con của anh chị ra đời càng khiến cuộc sống của gia đình vốn khó lại càng khó hơn. Trước hoàn cảnh đó của anh chị, tổ vay vốn buôn Liên Kết 1 đã hỗ trợ anh chị được vay vốn từ NHCSXH để có thể phát triển sản xuất với số tiền 15 triệu đồng, anh chị mạnh dạn mua một con bò mẹ để nuôi. Nhờ bản tính cần cù cùng số vốn vay được từ NHCSXH, sau 3 năm gia đình chị đã thoát nghèo thành công. Thế nhưng, chị Hạnh chia sẻ, dù trong tay anh chị đã có đến 3 con bò đẻ, được xem là hộ đã thoát nghèo nhưng thực tế là cái nghèo vẫn luôn “treo” lơ lửng trên đầu gia đình chị. Bởi thoát nghèo đồng nghĩa với việc không được vay vốn ưu đãi, nhưng cũng không thể tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng khác do không bảo đảm các yêu cầu từ phía ngân hàng. Trong lúc gia đình tưởng như bế tắc vì không biết lấy đâu ra tiền để tiếp tục mở rộng sản xuất thì chị được các hội, đoàn thể và NHCSXH bình xét cho vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi hộ cận nghèo. Không những giải quyết được nỗi lo thiếu vốn và không phải bán số bò đang vào giai đoạn sinh sản mà chị còn mở rộng được gần 1 ha ruộng nước. Đến nay kinh tế của gia đình anh chị đã bước đầu khởi sắc, có thể trang trải cuộc sống gia đình, nuôi hai con ăn học đầy đủ… Đây chỉ là một trong rất nhiều gia đình tại Đắk Lắk thoát nghèo thành công nhờ có sự hỗ trợ từ vốn vay của NHCSXH. Đặc biệt, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã trở thành “phao cứu sinh” cho những hộ cận nghèo như gia đình anh chị.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk Nguyễn Tử Ân cho biết, chương trình cho vay hộ cận nghèo được triển khai thực hiện từ tháng 4-2013 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 15/QĐ-TTg, ngày 23-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ, được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai. Chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo; đẩy mạnh truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ khi triển khai cho vay đến 30-6-2015, chương trình đã đạt doanh số gần 446,9 tỷ đồng, với 22.022 hộ được vay vốn (bình quân 1 hộ được vay 20,3 triệu đồng). Điều quan trọng nhất là chương trình cho vay hộ cận nghèo được xem như là “cú hích” để người nghèo có thể thoát nghèo một cách bền vững. Cũng theo ông Nguyễn Tử Ân, khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo hiện nay quá mong manh, tính trên thu nhập đầu người (hộ nghèo ở nông thôn có thu nhập từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; hộ cận nghèo từ 401.000 đồng – 520.000 đồng/người/tháng). Do vậy, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thể tái nghèo khi gặp rủi ro trong sản xuất và đời sống. Trong thời gian qua, để hộ cận nghèo, hộ nghèo không bị tái nghèo, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở trực thuộc triển khai giải ngân vốn kịp thời, nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng, bảo đảm hộ nghèo và cận nghèo khi có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận vốn một cách tốt nhất. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các hội, đoàn thể cấp xã thường xuyên kiểm tra mục đích sử dụng vốn sau khi hộ vay nhận tiền; phối hợp với cơ quan khuyến nông, khuyến lâm tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hộ vay. Những trường hợp hộ sử dụng vốn vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan như hạn hán, mất mùa, dịch bệnh ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn thì ngân hàng cùng các tổ chức hội, đoàn thể cho vay ủy thác kiểm tra thực tế để có giải pháp hỗ trợ phù hợp như lập biên bản đề nghị gia hạn nợ, khoanh nợ…, nếu hộ vay có nhu cầu và đủ điều kiện thì tiếp tục cho vay bổ sung, nhưng mức cho vay tối đa không qua 50 triệu đồng/hộ.
Có thể nói, chương trình cho vay hộ cận nghèo thực sự là “bệ phóng” để người nghèo có thể thoát nghèo bền vững. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Quyết định số 750/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giảm lãi suất đối với một số chương trình tín dụng chính sách trong đó có chương trình cho vay hộ cận nghèo, với lãi suất giảm từ 0,72%/tháng (8,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm) lại tiếp thêm động lực để người nghèo có thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc