Tìm hướng phát triển cho du lịch vùng Tây Nguyên
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên (TN) là một trong bảy vùng du lịch của cả nước. Tuy nhiên, làm thế nào để du lịch TN phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có là vấn đề mà nhiều đại biểu rất quan tâm tại Hội thảo Liên kết phát triển du lịch vùng TN do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hồi tháng 7 vừa qua.
Thực trạng du lịch Tây Nguyên
Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên thiên nhiên như có nhiều cảnh quan đẹp: Thác Dray Sáp, Dray Nur, Hồ Lắk, Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum), hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt); sự đa dạng và độc đáo về văn hóa của 47 dân tộc anh em, làng nghề và ẩm thực, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng…, TN có thế mạnh riêng để thu hút khách du lịch. Năm 2014, toàn vùng đón hơn 400.000 lượt khách quốc tế và 2,5 triệu khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt gần 5.000 tỷ đồng, chiếm 5,3% GDP, tạo việc làm cho trên 60.000 lao động. Tuy nhiên, du lịch vùng TN đến nay vẫn chưa được khai thác bài bản và hiệu quả, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, hoạt động du lịch vẫn tập trung chủ yếu ở đô thị du lịch Đà Lạt và một số điểm như Buôn Đôn, Hồ Lắk (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum)... Tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến với vùng trong những năm gần đây bình quân chỉ đạt 10%, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch xấp xỉ 30%. So sánh với cả nước, tổng thu du lịch vùng TN chỉ chiếm 4,3%; điều này cho thấy, đóng góp về du lịch trong cơ cấu của vùng chưa đủ lớn, ngoại trừ đô thị du lịch Đà Lạt thì còn lại, hầu hết địa phương chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp.
Du khách tham quan cầu treo Buôn Đôn. |
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, trên thực tế, vùng TN có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên, do đầu tư thấp hoặc chưa tới tầm nên vùng TN đang đối mặt với việc nhiều tài nguyên du lịch có nguy cơ suy thoái và mất đi sức hấp dẫn, mà điều đáng lo ngại nhất là tình trạng cắt khúc làm thủy điện trên sông Srêpôk, nạn phá rừng, hủy diệt đàn voi, một số thác không còn nước, sự thay đổi mất kiểm soát đối với văn hóa bản địa…
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo nói trên cũng khẳng định, chính tính độc đáo, đặc sắc về văn hóa bản địa các dân tộc TN là thế mạnh tuyệt đối của du lịch ở đây, thế nhưng, việc khai thác thế mạnh này hầu như chưa được nổi bật. Vai trò tự lực, sáng tạo của cộng đồng dân cư các tộc người, doanh nghiệp làm du lịch ở mỗi địa phương chưa được phát huy.
Cần cái “bắt tay” từ nhiều phía
Trên thực tế, mỗi tỉnh TN đều đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của từng tỉnh từ cách đây 10-15 năm, và hiện đang được điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch của vùng. Tuy nhiên, đáng buồn là đến nay, những phương án, giải pháp trong quy hoạch hầu như chưa đạt được như kỳ vọng, trong đó, rõ nhất là liên kết giữa các tỉnh trong vùng về phát triển du lịch rất yếu ớt và còn mang nặng tính hình thức. Do đó, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều cho rằng, liên kết để khai thác và phát triển du lịch vùng là yêu cầu cấp thiết đối với các tỉnh TN trong bối cảnh hiện nay.
Du khách cưỡi voi vượt sông Srêpôk tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn. |
Du lịch TN được xác định là vẫn ưu tiên phát triển theo các xu hướng chính là du lịch nội địa, du lịch xanh, tìm kiếm trải nghiệm, về nguồn… Do đó, liên kết trong thiết kế, xây dựng và cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu TN là vấn đề cốt lõi mà toàn vùng phải làm để tạo ra nét riêng, tránh sản phẩm du lịch nhiều nơi gần giống nhau. Để làm được điều này thì cần cái “bắt tay” cùng vào cuộc trước hết là của các DN để xây dựng, cung ứng và quảng bá sản phẩm chung của vùng. Ngoài ra, việc liên kết phát triển du lịch vùng TN không đơn thuần chỉ là kết nối điểm đến mà còn phải tạo ra sự liên kết toàn diện, ở nhiều cấp độ như liên kết trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, liên kết trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng điểm, tuyến du lịch và thương hiệu điểm đến; điều tiết và cung ứng dịch vụ, kể cả xây dựng hành lang pháp lý cho du lịch phát triển…
Trong quá trình hội nhập, TN đang là điểm đến khá thú vị đối với du khách, nhất là khách quốc tế. Trên thực tế, ở đây không có biển (các tỉnh ven biển nước ta thường chiếm trên 70% số lượt khách du lịch mỗi năm) do đó, để “hút” khách đến TN thì việc liên kết, hợp tác giữa vùng TN với các vùng du lịch khác, đặc biệt là hướng ra biển không nên xem nhẹ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến “Con đường di sản miền Trung”, bởi từ mối liên kết này sẽ kết nối được với “Cồng chiêng TN” và “Con đường xanh TN” tạo thành một tuyến du lịch văn hóa đặc sắc của Việt Nam… Không chỉ vậy, du lịch TN rất cần phải năng động, nhạy bén hơn nữa mới mong đạt được mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng thu hút 800.000 lượt khách quốc tế, 3,9 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu du lịch đạt trên 11 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030, thu hút khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế, 6,8 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt trên 26 nghìn tỷ đồng như Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng TN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2162/ QĐ-TTg ngày 11-11-2013.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc