Doanh nghiệp xuất khẩu cần chiếm lĩnh thị trường nội địa
Trong bối cảnh của nền kinh tế mở cửa, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã không ngừng chú trọng đến việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thị trường, nếu các DN chỉ chạy theo sản lượng xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa chắc chắn sẽ sớm phải đối mặt với nguy cơ “thua ngay trên sân nhà”.
“Miếng ngon” đem bán xứ người
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng trên 100 DN có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm từ cà phê, hồ tiêu, sắn, mật ong, cao su… Nếu như trước đây, các DN chủ yếu xuất sản phẩm thô mới qua sơ chế thì hiện nay đã chú trọng đến khâu chế biến sâu, từ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, được thị trường thế giới ưa chuộng. Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh từ đầu năm 2015 đến nay đạt khoảng 400 triệu USD, trong đó các mặt hàng cà phê nhân xuất khẩu khoảng trên 130.000 tấn, cà phê hòa tan khoảng 2.700 tấn, sản phẩm ong trên 4.500 tấn, cao su khoảng 4.000 tấn… Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, những năm gần đây, các DN trên địa bàn tỉnh có sản phẩm chế biến sâu, chất lượng tốt chủ yếu chỉ chú trọng tìm kiếm, mở rộng thị trường nước ngoài để xuất khẩu, còn sản phẩm không xuất khẩu được mới đem tiêu thụ nội địa. Thực tế này cho thấy thị trường nội địa trở thành “con ghẻ”, ít được các DN chú trọng.
Thu mua bơ trái nhập cho Công ty TNHH Thu Nhơn (TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển An Thái cho biết, hiện nay các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan của Công ty đã có mặt tại thị trường của 40 quốc gia trên thế giới với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 2.000 tấn cà phê, doanh thu trên 10 triệu USD. Trao đổi về nguyên nhân vì sao Công ty không chú trọng phát triển sản phẩm tại thị trường nội địa, ông Lợi không ngần ngại thừa nhận rằng: Thị trường quốc tế thường có sự cạnh tranh minh bạch, giá cao và hàng rào thuế quan rộng mở nên thu hút các DN tham gia. Còn đối với thị trường trong nước thì tương đối phức tạp do có nhiều DN vừa và nhỏ cạnh tranh nhau về giá cả mà xem nhẹ việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước thường quen sử dụng các sản phẩm giá thành rẻ, những mặt hàng chế biến sâu đạt chất lượng có giá bán cao nên khó tiêu thụ nội địa.
Thu mua cà phê xuất khẩu tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ. |
Công ty CP Ong mật Đắk Lắk hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước về sản lượng mật ong (chiếm 30%) và kim ngạch xuất khẩu ong, các sản phẩm từ ong (chiếm 40%). Bình quân mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 8.000 - 10.000 tấn sản phẩm từ ong sang thị trường trên 60 quốc gia, giá trị kim ngạch đạt khoảng 15-20 triệu USD/năm. Ông Lê Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ong mật Dak Lak cho hay, những năm qua, DN đã không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường trên thế giới, kể cả các nước nhỏ với số dân khoảng 2-3 triệu người. Các sản phẩm từ ong của Công ty đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên trường quốc tế, đây cũng là một trong những mũi nhọn chính mà Công ty đang cố gắng đầu tư phát triển…
Không chỉ các DN có quy mô lớn đẩy mạnh đầu tư mở rộng thị trường xuất khẩu mà nhiều DN nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng đang cố “chen chân” mà vô tình bỏ qua thị trường nội địa. Đây cũng là một thực trạng đáng buồn bởi người tiêu dùng đang được kêu gọi ưu tiên dùng hàng Việt, luôn mong muốn ủng hộ hàng hóa nội địa nhưng khi các DN làm nên những sản phẩm có chất lượng, tạo được thương hiệu thì lại đem “đãi” người tiêu dùng nước ngoài.
Cần chú trọng thị trường nội địa
Thị trường quốc tế rất khó tính và nhiều rủi ro. Khi sản phẩm hàng Việt thâm nhập thị trường quốc tế thì các nước nhập khẩu bao giờ cũng đưa ra những quy tắc ràng buộc, trong đó, vấn đề về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Đã có không ít lần sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…, bị nghi ngờ không đạt tiêu chuẩn chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN, thậm chí là phải bồi thường hợp đồng. Đơn cử như trường hợp vào tháng 7 đến tháng 11-2011, một lô hàng 600 tấn mật ong Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị trả lại, bởi họ cho rằng trong mật ong Việt Nam có chứa chất Carbenzamin (thuốc trừ nấm). Từ đó, việc bán các sản phẩm từ ong (mật, phấn hoa, sữa ong chúa…) sang thị trường Mỹ cũng trở nên khó khăn hơn. Đối với Công ty CP Ong mật Đắk Lắk, nếu như năm 2014, DN còn xuất khẩu được khoảng 11.000 tấn sản phẩm từ ong thì từ năm 2015 đến nay chỉ xuất được khoảng 4.500 tấn, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2014, mặc dù sản phẩm của DN vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất mà phía đối tác đưa ra.
Công ty TNHH Thu Nhơn là một trong những DN với quy mô hoạt động nhỏ nhưng cũng khá nổi tiếng trong tỉnh với sản phẩm bơ trái mang thương hiệu DAKADO. Hiện nay, sản phẩm của đơn vị cũng có mặt tại hầu khắp hệ thống siêu thị tại các tỉnh thành trong cả nước. Mặc dù sản phẩm mỗi năm bán ra chỉ khoảng 500-1.000 tấn, nhưng Công ty vẫn hướng đến thị trường xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Giám đốc DN này cho biết, khoảng tháng 4-2015, Công ty đã tìm được đối tác thu mua bơ tại Campuchia, nhưng mới xuất được khoảng 100 tấn thì bạn hàng không thu mua nữa. Tuy nhiên, theo bà Nhơn thì DN vẫn tiếp tục tìm kiếm bạn hàng để xuất ngoại trái bơ và sản phẩm từ bơ.
Ông Huỳnh Ngọc Dương cho biết, lâu nay, mỗi khi nhắc đến hội nhập hay xúc tiến thương mại cho hàng nông sản gần như chúng ta chỉ mới quan tâm đến việc xuất khẩu, mà ít khi chú trọng đến thị trường nội địa. Đây sẽ là sai lầm dễ dẫn đến việc “thua trên sân nhà”. Hiện nay Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại với các nước Liên hiệp châu Âu - EU (gọi tắt là FTA). Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Khi tất cả các hàng rào thuế quan trong hiệp ước FTA có hiệu lực, hàng nông sản của các bên tham gia đều thuận lợi thâm nhập thị trường của nhau. Hơn nữa, các nước tham gia FTA phần lớn đều có nền nông nghiệp phát triển và họ luôn xem thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân là một trong những thị trường tiềm năng cho nông sản của họ. Vì vậy, để không bị “thua ngay trên sân nhà”, các DN Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư phát triển quy mô hàng hóa ở thị trường nội địa. Đây cũng được xem là một trong những cơ sở quan trọng để các DN trong nước hội nhập thành công.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc