Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Kly hợp tác để phát triển sản xuất

09:12, 12/10/2015
Thành lập các tổ hợp tác để hỗ trợ nhau trong sản xuất là cách mà nhiều nông dân trên địa bàn xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) lựa chọn không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập mà còn giúp phát huy thế mạnh của địa phương.

Tổ hợp tác chăn nuôi bò của thôn 4A được thành lập từ năm 2014 trên cơ sở tập hợp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương. Tham gia vào tổ, các thành viên được tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng cũng như giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Là thành viên, đồng thời đảm nhận vai trò tổ trưởng, ông Phạm Văn Dũng cho biết: “Trung bình mỗi hộ ở thôn nuôi từ 2 – 3 con bò. Tham gia vào tổ, các hộ thành viên không chỉ tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tế chăn nuôi mà còn tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại gia đình để giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập. Hằng ngày, các thành viên luân phiên chăn dắt đàn bò cho cả tổ, giúp tiết kiệm được nhiều công lao động. Hiện tại, tổ đang xây dựng trang trại nuôi bò theo hướng tập trung để có thể chủ động hơn về nguồn thức ăn cũng như đầu ra của sản phẩm”.

Anh Hoàng Nhật Huy (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm  chăn nuôi với các thành viên trong tổ chăn nuôi heo của thôn 7A.
Anh Hoàng Nhật Huy (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các thành viên trong tổ chăn nuôi heo của thôn 7A.

Là một trong 35 thành viên của tổ chăn nuôi heo thôn 7A, anh Hoàng Nhật Huy được tổ hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi nên gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Trước đây, anh chỉ nuôi 1 cặp heo nái để bán giống nên thu nhập không là bao. Từ ngày tham gia tổ, anh vay vốn và mua thêm 4 con heo nái để chủ động nguồn giống. Trung bình mỗi năm, anh Huy xuất chuồng 150 con heo giống, thu về hơn 60 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh Huy tâm sự: “Lâu nay, gia đình tôi nuôi heo chỉ để tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp nên không cho hiệu quả kinh tế cao. Tham gia vào tổ chăn nuôi, tôi và các thành viên khác được tham gia các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật quy trình chăm sóc con giống, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong chăn nuôi, thực hiện quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, an toàn khi đưa ra thị trường”. Chị Nguyễn Thị Vui, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 4A cho biết: “Tổng chi phí thức ăn chăn nuôi của các hộ trong thôn mỗi năm trung bình khoảng 4,8 tỷ đồng. Từ mong muốn của các hộ gia đình, thôn đã thành lập tổ chăn nuôi. Thông qua tổ, các hộ chăn nuôi sẽ được trao đổi, chia sẻ, nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và tiếp cận được các chủ trương chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Nhà nước, địa phương. Bên cạnh đó, tổ sẽ liên kết với nhà phân phối thức ăn gia súc, doanh nghiệp để chủ động hơn trong chăn nuôi, giảm chi phí đầu tư, tạo tính ổn định trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ dân”.

Rõ ràng, thành lập các tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân xã Ea Kly đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ngoài việc hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi thì Hội Nông dân xã cũng đang tích cực giúp bà con phát huy thế mạnh về trồng trọt bằng việc triển khai thành lập thêm các tổ liên kết trồng vải, bắp và lúa. Việc phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác trên địa bàn xã Ea Kly đang từng bước giúp cán bộ, hội viên, nông dân tiếp cận kiến thức về phát triển kinh tế tập thể. Ông Đặng Văn Mậm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ tích cực phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật của huyện mở nhiều lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm trang bị kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để khuyến khích các hội viên, nông dân tham gia các tổ hợp tác sản xuất, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình”… Tuy nhiên, việc xây dựng các tổ hợp tác tại đây còn gặp nhiều khó khăn khi nhiều hộ dân còn giữ tập quán sản xuất nhỏ lẻ nên lượng hàng hóa sản xuất ra không lớn. Bên cạnh đó, khó khăn về vốn đầu tư, KHKT và đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề đang cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp để giúp nông dân yên tâm phát triển kinh tế.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc