Multimedia Đọc Báo in

Nghịch lý ngân hàng "thừa" tiền – Doanh nghiệp... "đứng nhìn"

09:12, 12/10/2015
Trong thời gian qua, các ngân hàng trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tín dụng, chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý. Mặc dù tăng trưởng tín dụng đang có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng khả năng “hấp thụ” vốn của doanh nghiệp (DN) vẫn để lại nhiều băn khoăn.

Nỗ lực kích cầu tín dụng

Năm nay, tín dụng của toàn hệ thống đã tăng nhanh ngay từ các tháng đầu năm, tình trạng tín dụng “âm” hầu như không xuất hiện. Tính đến hết quý III-2015, tăng trưởng tín dụng lên mức 25% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,42% so với đầu năm. Tuy nhiên, không phải tín dụng tăng mạnh mà các ngân hàng tỏ ra “thờ ơ” với việc cho vay, ngược lại ngân hàng vẫn liên tục đưa ra các gói kích cầu tín dụng. Với lợi thế nguồn vốn dồi dào, các “ông lớn” trong ngành ngân hàng đã đưa ra hàng loạt chương trình tín dụng có lãi suất cực kỳ hấp dẫn đối với DN. Đáng chú ý như Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) thực hiện chương trình tín dụng 20 nghìn tỷ đồng với lãi suất tối đa 5,5%/năm cho khách hàng DN... Mới đây nhất, để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn của các khách hàng DN khi Tết Bính Thân 2016 đang tới gần, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã triển khai Chương trình cho vay ngắn hạn, lãi suất cạnh tranh dành cho DN vừa và nhỏ bằng VND trong kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất thấp nhất là 5,5%/năm. Đối với kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 6 tháng, mức lãi suất này là 5,9%/năm. Không đứng ngoài cuộc, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đưa ra nhiều chương trình cho vay DN. Đáng chú ý như Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank) dành 4 nghìn tỷ đồng cho khách hàng DN vay bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm đến hết năm 2015. Theo đó, khách hàng DN có cơ hội vay vốn ưu đãi bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm VND hoặc USD do HDBank hoặc các tổ chức tín dụng khác phát hành, lãi suất từ 6,5%/năm tùy từng kỳ hạn của thẻ tiết kiệm. Lãi suất vay được giữ cố định trong suốt thời gian vay...

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Đắk Lắk.

DN "hấp thụ" vốn yếu

Mặc dù các ngân hàng đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng họ cũng tỏ ra thận trọng; tích cực tìm kiếm khách hàng nhưng các điều kiện cho vay vẫn phải được bảo đảm đầy đủ, nhất là phương án sử dụng vốn và tiềm lực tài chính khách hàng luôn được ngân hàng quan tâm. Do đó, khi ngân hàng “áp” các điều kiện vay vốn, DN trên địa bàn tỉnh ngay lập tức bị “vướng”. Chẳng hạn để tham gia chương trình và hưởng các mức lãi suất ưu đãi của Vietcombank, bên cạnh việc thỏa mãn các điều kiện về quy mô (là DN vừa và nhỏ) và mục đích vay vốn (phục vụ sản xuất, chế biến, thương mại các mặt hàng Tết như thực phẩm, lương thực, đồ uống, hàng tiêu dùng…), thì điều quan trọng nhất là khách hàng cần có lịch sử tín dụng tốt và khả năng tài chính lành mạnh, bảo đảm thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ cho Vietcombank. Theo đại diện ngân hàng này, đa phần khách hàng DN đang “vướng” vào điều kiện thứ 3 do ngân hàng đặt ra. Hay như tại Agriabank, để tham gia và hưởng ưu đãi gói 20 nghìn tỷ, DN phải đáp ứng các điều kiện cho vay theo quy định như khoản cấp tín dụng của DN ít nhất từ 30 tỷ đồng trở lên, nếu cho vay theo hạn mức tín dụng, dư nợ phải đạt 90% hạn mức trở lên. Trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh Đắk Lắk Phan Thông Thái cho biết, sau gần 2 tháng triển khai, đến nay đơn vị mới chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng  cho 3 DN (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, Nông trường Cà phê Việt Đức, Công ty Cà phê Phước An), còn lại hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đều không thể đáp ứng yêu cầu mà Agribank đưa ra.

Là "xương sống" của nền kinh tế, nhưng theo số liệu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tính đến nay cho vay DN trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.614 tỷ đồng, chiếm 30,2% tổng dư nợ. Trong tình cảnh các ngân hàng đang dồi dào tiền là cơ hội để DN tiếp cận vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhưng đáng tiếc là khả năng “hấp thụ” vốn của DN đang gặp thật sự vấn đề.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc