Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân huyện Krông Bông: Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

09:56, 13/10/2015

Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” do Hội Nông dân huyện Krông Bông phát động đã được triển khai sâu rộng đến các cấp hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó, xuất hiện nhiều những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho hội viên nông dân.

Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Kty, chúng tôi tới thăm gia đình anh Phùng Chí Minh, một trong những hộ làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của xã. Trước đây hoàn cảnh gia đình anh Minh gặp nhiều khó khăn, diện tích đất canh tác ít lại thiếu vốn sản xuất nên anh loay hoay mãi vẫn không tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp. Năm 2010, anh đầu tư nuôi thêm 5 con bò nhưng rất tốn công chăn thả, bò chậm lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do hội nông dân huyện, xã tổ chức, anh Minh bắt đầu chuyển sang mô hình nuôi bò vỗ béo. Thay vì thả bò như trước, anh xây dựng chuồng cho bò ở theo từng ô và cho bò ăn chủ yếu là cám gạo, bắp, lúa. Với cách nuôi này bò tăng trưởng nhanh, từ 8-15kg/ con/tháng. Anh Minh cũng tận dụng được nguồn phân bò để bán được 50-60 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi bò, anh Minh cũng mở rộng chăn nuôi heo với số lượng 20 con heo nái, và 5 con heo giống. Hằng năm thu nhập từ chăn nuôi của gia đình anh Minh trên 500 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.
Anh Phùng Chí Minh (xã Cư Kty) làm giàu nhờ mô hình  chăn nuôi bò vỗ béo.
Anh Phùng Chí Minh (xã Cư Kty) làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo.

 Cũng là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện, anh Võ Văn Sơn ở thôn 2, xã Cư Kty chọn hướng phát triển kinh tế bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật và trồng trọt để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp của Ngân hàng chính sách, anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất như máy bơm nước, máy cày, máy làm cỏ, máy phun thuốc, máy cày bỏ phân, xe ô tô vận chuyển nông sản,… giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công, tăng hiệu quả lao động. Nhờ chủ động thay đổi phương thức sản xuất cũ lạc hậu, ứng dụng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững, từ diện tích đất trồng 0,4 ha anh mở rộng lên gần 20 ha đất sản xuất các loại, năng suất cây trồng cũng tăng vượt bậc. Cụ thể: năng suất lúa nước tăng từ 5 tấn/ha lên 8-10 tấn/ha; ngô lai tăng từ 5 tấn/ha lên 10 - 12 tấn /ha; năng suất mía tăng từ 50 tấn/ha lên trên 100 tấn/ha, đưa thu nhập gia đình tăng từ 20 triệu đồng/ năm lên 500 triệu đồng/ năm.

Trên đây chỉ là 2 trong tổng số 9.831 hộ nông dân điển hình sản xuát kinh doanh giỏi của huyện. Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong ba phong trào trọng tâm của Hội. Hằng năm, Hội luôn phát động đến toàn thể hội viên tham gia phong trào. Năm 2015 toàn huyện có 6.750 hội viên đăng ký tham gia. Qua đó, đã có 1.356 hộ nông dân chủ động giúp đỡ hội viên nghèo bằng các hình thức như giúp ngày công lao động, giúp vốn, cây, con giống để phát triển kinh tế, có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã chủ động xây dựng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp, tích cực vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Ngoài ra, các cấp Hội cũng tăng cường phối hợp với Ngân hàng chính sách thông qua các hoạt động ủy thác giúp đỡ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, nhằm định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình điểm cho nông dân, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành xây dựng và thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác để giúp hội viên, nông dân tiếp cận, trao đổi thông tin khoa học kỹ thuật, giống, vốn và thị trường đầu ra sản phẩm. Nhờ đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đã trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đổi mới cách làm, biết sử dụng lao động và đồng vốn một cách hợp lý, hiệu quả. Qua đó, phát huy ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.